“Paul Mazza vừa được cha mẹ cậu ấy thưởng cho 150 đô-la vì
được điểm cao. Con có được thưởng gì không ạ?” tôi hỏi.
“Nhà Braun thì phải khác. Con được bố mẹ tuyên dương,” cha mẹ
nói.
Trong suốt dịp Lễ hội Ánh sáng (Hanukkah), thay vì nhận được
quà vào cả tám đêm, chúng tôi chỉ được nhận quà trong bốn đêm,
còn quà của bốn đêm còn lại được cha mẹ quy đổi và thay chúng tôi
đóng góp cho một tổ chức từ thiện. Khi chúng tôi hỏi tại sao một nửa
số quà tặng trong dịp lễ Hanukkah lại được đóng góp cho tổ chức từ
thiện mà không phải là quà của chúng tôi, cha mẹ tôi trả lời bằng
một câu quen thuộc rằng, “Bởi nhà Braun thì phải khác.”
Hầu hết bạn bè của chúng tôi đều có những món đồ chơi công
nghệ cao và trò chơi video, nhưng anh em chúng tôi được cha mẹ
khuyến khích đọc sách hoặc ra ngoài chơi. Mọi lời nài xin và cự nự
của chúng tôi đều gặp đúng một phản ứng: “Nhà Braun thì phải
khác.” Cha tôi không nghĩ chúng tôi là những đứa trẻ giỏi giang hơn,
ông chỉ muốn chúng tôi phải giữ mình theo một tiêu chuẩn cao hơn.
Câu nói này không chỉ được dùng để lý giải cho cách nuôi dạy con
khác biệt của cha mẹ tôi, mà còn để chúc mừng chúng tôi khi chúng
tôi dũng cảm chọn con đường chông gai hơn để dấn bước. Nếu
chúng tôi đứng lên bênh vực một người bạn cùng lớp bị bắt nạt, cha
mẹ sẽ cổ vũ chúng tôi bằng câu nói: “Các con biết sao các con làm
vậy không? Vì nhà Braun thì phải khác.” Bọn trẻ con chúng tôi
thường chẳng muốn gì khác ngoài sự ủng hộ của cha mẹ mình, và
chẳng mấy chốc, chúng tôi đã phát triển trong mình một thiên
hướng cố hữu – vững tin sống theo những lý tưởng mà họ đã ươm
mầm trong chúng tôi.