- Một người rất tốt. Là ông từ đình làng ta. Nhà có mấy cây me để hái
bán. Riêng cây me ngọt ông Bảy chỉ hái biếu khách và cho lũ trẻ trong làng.
Ông già Bảy bỏ dép chùi chân dính đầy cát trước khi leo lên giường
ngồi xếp bằng. Ông trỏ tay vào đĩa gỏi nói với Hai Thìn:
- Tòng Út trộn khá lắm rồi. Không còn mùi tanh của cá. Mè vừa đủ
thơm. Me vừa đủ chua. Nó thành người Kinh ta rồi đó!
Ông già nói nhấn câu cuối và nháy mắt ra dấu cho Hai Thìn hiểu là
mình trêu ghẹo Tòng Út. Quả nhiên Tòng Út kêu lên:
- Không! Tao đâu có thành người Kinh. Hồn tao vẫn thuộc về Thần
rừng!
Đùa vậy đã đủ ông già Bảy nắm tay con người đau khổ nói:
- Qua xin lỗi qua lỡ miệng.
Hai Thìn lại đặt bàn tay to bè của mình lên vai Tòng Út:
- Phải rồi Tòng Út vẫn là con cháu Thần rừng!
Nét mặt Tòng Út tươi trở lại. Anh ta nhìn qua khung cửa sổ sau nhà.
Nơi đó như có treo một bức tranh rừng núi với những vệt màu lá cây. Bức
tranh ấy có một mảng màu trời dù lúc này đã bắt đầu tím thẫm trong tâm
tưởng của Tòng Út vẫn xanh leo lẻo như cái nhìn trong suốt thấu lòng
người của Thần rừng. Người trong làng dân tộc từ bỏ Tòng Út nhưng Thần
rừng chẳng bỏ anh. Sẽ có lúc Thần rừng bảo với mọi người: Tòng Út vẫn là
con cháu của ta!
Hai Thìn thì nhìn ra biển. Biển cũng đã in màu tím thẫm. Biển cả bắt
đầu vào giấc ngủ rồi. Chẳng thể nào trò chuyện với nhau được. Sáng mai -
Hai Thìn nghĩ ngợi - rất sớm khi mặt trời vừa ló dạng anh sẽ ra biển đầu
tiên quỳ xuống mép nước vốc đầy tay một vốc nước mát của Biển cả rồi cúi
xuống hôn chào người bạn thân thiết. Vua biển nay lại về với biển. Về và
sống chết với biển thôi. Chắc Biển cả sẽ oà lên khóc vì sung sướng Biển cả
sẽ phủ những đợt sóng lớn bất ngờ lên người Hai Thìn cuốn anh ra thật xa
bờ. Ở đó anh sẽ vùng vẫy ngụp lặn cho thật thỏa thích lần gặp lại Biển cả
sau một năm xa cách.
Chỉ có ông già Bảy là sống với thực tế. Ông rót rượu ra ly và tuyên bố:
- Qua mần ly khai mạc rồi tới Hai Thìn.