Ông ta cũng đổi sang họ Lỗ, lấy một chữ “Ân” để làm tên, thể hiện tấm
lòng biết ơn và trung thành với Lỗ gia. Mặt khác, cũng đỡ mất công phiền
hà giao nộp công văn đuổi về cho quan phủ tại quê cũ.
Lỗ Thịnh Nghĩa và Lỗ Thiên Liễu bám sát sau lưng Lỗ Ân. Lỗ Thịnh
Nghĩa luôn đi trước Lỗ Thiên Liễu nửa bước, đó chính là thói quen của
ông, ông cần phải đảm bảo an toàn cho Lỗ Thiên Liễu. Thói quen này xuất
phát từ tình yêu thương ông dành cho cô, vốn dĩ cũng là lẽ đương nhiên.
Nhưng nếu suy xét một cách sâu xa, tại sao ông lại yêu thương cô đến thế,
tự đáy lòng ông cũng cảm thấy rất khó giải thích.
Với ông, Lỗ Nhất Khí và Lỗ Thiên Liễu đều là những báu vật do ông trời
ban tặng. Năm xưa khi ông và anh trai phá vách Bách anh dưới nước, đã
trúng phải lời nguyền tuyệt hậu. Lời nguyền còn chưa hóa giải, vậy mà ông
trời đã ban cho ông những hai đứa con bảo bối. Đứa con ruột Lỗ Nhất Khí
chắc chắn là một bảo bối, nhưng ông không dám giữ bên mình; còn đứa
con gái mà ông nhặt được đây cũng là một bảo bối, nhưng ông không thể
rời xa.
Năm đó, sau khi gửi Lỗ Nhất Khí đi, ông Lục đã giúp ông tính toán quẻ
Phục Hy. Quẻ tượng nói rằng phía tây nam Mộc vương, sẽ xuất hiện kỳ tài,
ngày sau không chừng hữu dụng. Thế là ông một thân một mình lặn lội tìm
kiếm khắp vùng tây nam, nhưng không gặp được gì cả.
Một hôm, ông đến vùng Đại Lý, nhận lời của Vô Do pháp sư tại chùa
Thiên Long, đến giúp chùa điêu khắc một khám thờ bằng gỗ với chủ đề
“Quan âm thuyết pháp lánh phàm trần”. Khi nhắc đến nhành liễu cầm trên
tay Quan Âm, ngoài cổng bỗng xuất hiện một bé gái chừng năm sáu tuổi,
áo quần rách rưới, mặt mũi lấm lem.
Đứa bé nhìn chằm chằm vào chiếc bát đựng mấy cái bánh mà Lỗ Thịnh
Nghĩa chưa kịp ăn đang để trên bàn rụt rè lên tiếng:
- Cha ơi, con đói!