Lỗ Thịnh Nghĩa nghe vậy, trong lòng trào dâng một nỗi xót xa, bàn tay
cầm dao khẽ run rẩy, rạch hỏng cành liễu, cứa đứt cả ngón tay ông.
Một giọt máu hồng nhỏ trên cành liễu, hòa cùng một giọt nước mắt nóng
hổi.
Lúc này, từ trong đại điện Phổ Tế, Vô Do đại sư đang tụng niệm Phật
hiệu, bỗng cất tiếng sang sảng mà nói vọng ra:
- Vô Do tức là do trời, liễu đứt tức là liễu trời; ý trời tức là ý người, con
gái của trời chính là con gái ông đấy!
Và sau chuyến đi tây nam lần ấy, Lỗ Thịnh Nghĩa đã đưa theo về một cô
con gái nhỏ, đặt tên là Lỗ Thiên Liễu. Lúc đó, Lỗ Thiên Liễu không biết
mình từ đâu lưu lạc tới Đại Lý, cũng chẳng biết mình bao nhiêu tuổi. Lỗ
Thịnh Nghĩa liền coi như đứa bé bằng tuổi Lỗ Nhất Khí, ngày sinh cũng lấy
cùng với sinh nhật của Lỗ Nhất Khí.
Khi mới đi vào trong cổng, Lỗ Thiên Liễu bám sát theo sau Lỗ Thịnh
Nghĩa, nhưng sau đó cô dần dần tụt lại. Không phải cô không theo kịp, mà
cô cố ý bước chậm hơn. Vì cô còn phải vừa đi vừa tụ khí ngưng thần, giữ
cho ba giác tỉnh táo, để đến lúc quan trọng có thể ứng phó kịp thời.
Ba giác tỉnh táo là gì? Thính giác, khứu giác và xúc giác của Lỗ Thiên
Liễu đều nhạy bén khác thường. Cô chỉ cần ngưng thần tụ khí, tập trung
tâm lực, ba giác này lập tức có thể cảm nhận được những thứ cực kỳ vi tế
như kiến bò cỏ mọc, mùi khí vị đá, và đặc biệt rất nhạy cảm với những thứ
ô uế quái dị. Chính nhờ khả năng đặc biệt bẩm sinh, nên cô đã dễ dàng
luyện được công phu Tịch trần(*) của Lỗ gia.
(*) Tịch trần tức trừ bụi, có nghĩa là trừ bỏ những thứ ô uế. Kỹ thuật này
xuyên suốt trong toàn bộ quá trình xây dựng, do mỗi một khâu, hoặc vô
tình hoặc cố ý, đều có thể lưu lại chỗ phá bại, cần phải dùng phương pháp
này để trừ bỏ và bổ cứu. Đặc biệt là sau khi khánh thành, phải tiến hành vệ
sinh quét dọn tất cả mọi bộ phận của toàn bộ công trình kiến trúc. Cần
phải dọn dẹp bụi bặm và những thứ dơ bẩn, đồng thời cũng phải loại bỏ tất