chữ ngược, tựa như muốn bày sẵn trước mặt Ngũ Lang, để anh ta không
cần xoay người lại cũng có thể đọc được ngay.
- Xuống giếng, dẫn nó chạy! – Chỉ có năm con chữ bằng máu tươi, năm
con chữ đầy khiếp sợ, bất lực và hối thúc, nghe tựa như một lời vĩnh biệt.
Tại sao phải làm như vậy, Ngũ Lang không biết và cũng không hỏi,
nhưng anh biết những con chữ kia đang yêu cầu anh phải làm gì. Thế là anh
lập tức xoay người bước đi, vừa đi vừa quài tay ra sau móc từ trong sọt ra
hai chiếc túi da màu trắng và một ống trúc hai đốt.
Hai chiếc túi da màu trắng mỏng tanh chính là bàng quang lợn đã được
gia công, còn ống trúc hia đốt là một chiếc bơm đơn giản. Ngũ Lang thao
tác rất nhanh chóng khi bước đến bên miệng giếng, bên miệng anh đã ngậm
lấy hai túi bàng quang chứa đầy không khí.
Đây là tuyệt chiêu dùng khi ngụp lặn do một ngư phủ nổi tiếng ở Thái
Hồ tên là Du Hữu Thích, biệt danh là “rùa gai” dạy cho. Phương pháp này
có thể giúp thợ lặn lấy thêm được vài hơi dưới đáy nước, tương truyền
Phiên giang thử Tưởng Bình, một trong “Ngũ thử”, là đới đao thị vệ của
danh quan Bao Chửng nổi tiếng đời Tống khi lặn ngụp trong nước cũng sử
dụng phương pháp này. Nhưng Lỗ Thiên Liễu không thích dùng đến nó,
điều này cũng dễ hiểu, một thiếu nữ ngậm bóng đái lợn trong miệng, quả
thực không được thanh tao cho lắm.
Ngũ Lang không cần buộc dây thừng, anh nhanh chóng cởi bỏ lớp quần
áo bông bên ngoài, tay cầm phác đao nhảy thẳng xuống giếng. Khi vừa rơi
xuống nước, làn nước giá buốt thấu xương đã khiến Ngũ Lang suýt nữa thì
chết ngất. Nhưng gắng lặn sâu xuống, cái lạnh đã không còn kịch liệt như
trước nữa. Anh nhanh chóng quan sát xung quanh, rồi bơi theo hướng có
ánh sáng màu đỏ.
Ông Lục thấy Ngũ Lang nhảy xuống giếng, khuôn mặt gắng gượng lộ ra
một nét cười, nghĩ thầm: “Chỉ biết nghĩ tới con bé kia thôi, chẳng thèm đếm
xỉa gì tới lão già này. Cũng chẳng trách được nó, hơn hai mươi năm về