Khi Lỗ Ân kéo Ngũ Lang ngoi lên mặt nước để lấy hơi, đó là ở trong
một miệng giếng. Lỗ Ân không biết đó là nơi nào, nhưng Ngũ Lang thì
biết. Đó là mũi rồng, nhưng nhất thời anh ta không phân biệt được đây là lỗ
mũi bên trái hay bên phải.
- Ngũ Lang, có tìm được gì ở phía dưới không? – Lỗ Ân hỏi, giọng có
phần sốt sắng.
- Không biết, Liễu Nhi xuống trước, con vừa xuống đã phải đánh nhau
túi bụi với lũ quái vật kia! – Ngũ Lang lúc nào cũng chỉ biết nói thật, đây là
điều Lỗ Ân không cần phải nghi ngờ.
- Bây giờ, ngươi hãy nhớ kỹ lời của ta! Cái thứ phun khí lạnh lúc nãy gọi
là “băng tinh thổ hàn”, muốn phá được nó, cần phải phong kín miệng nhả
hàn khí. Ngươi hãy tìm cách tiếp cận nó từ bên cạnh, bịt kín miệng của nó
lại là được! – Giọng nói của Lỗ Ân có phần run rẩy, vì nước ở gần miệng
giếng này quả thực giá lạnh vô cùng. Ông cố gắng đạp nước đẩy cơ thể lên
cao, vì bên dưới có một tầng nước lạnh buốt hơn, cần phải tránh xa.
“Băng tinh thổ hàn” là một truyền thuyết do khách đi thuyền từ ngoại
quốc kể lại. Họ nói rằng ở phương nam của biển lớn có một vùng cực nóng,
đỉnh núi thường xuyên khạc lửa, phun ra đá lửa đỏ rực, có thể đun sôi cả
một vùng biển lớn. Đem đá này tới vùng cực lạnh ở phương bắc, nó sẽ nhả
hết nhiệt nóng và thu hút hàn khí. Đợi đến khi nó hút no hàn khí, khối đá sẽ
không còn cứng nữa, cầm vào tay cảm giác như bông. Nhưng đó chỉ là
truyền thuyết, chưa ai được tận tay sờ vào xem nó cứng hay mềm; cho dù
sờ được vào, cũng sẽ đông cứng thành băng chỉ trong nháy mắt. Loại đá
này được gọi là “băng tinh miên thạch”(*), hàn khí của nó chỉ có “băng
phách hàn ngọc”(**) mới có thể phong tỏa được. Bởi vì mật độ của băng
phách hàn ngọc có thể ngăn cản không cho hàn khí phát tán ra ngoài.
Người ta dùng băng phách hàn ngọc để chế tạo thành vật đựng kín mít, sau
đó trổ một cái cửa có thể đóng mở, để khống chế hàn khí tỏa ra theo đúng
phương vị, góc độ và phạm vi mong muốn, đó chính là “băng tinh thổ hàn”.
(*) Có nghĩa là đá bông tinh băng. (Nd)