CHIẾN LƯỢC THEO CHIỀU NGANG
Người thách thức có thể tận dụng mối liên hệ qua lại giữa các đơn
vị kinh doanh như là một cách thức mở rộng phạm vi cạnh tranh. Như
đã trình bày trong Chương 9 - 10, những mối liên hệ qua lại nói trên
có thể đem lại lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp hoạt động
trong nhiều ngành khác nhau. Người thách thức sử dụng chiến lược
theo chiều ngang (hoạt động trong một số ngành khác nhau) có thể
thành công khi tấn công đối thủ dẫn đầu nếu đối thủ này hoạt động
trong những ngành khác hoặc ít ngành hơn. Ví dụ trường hợp của
IBM trong ngành sản xuất máy tính cá nhân. Công ty này đã tận dụng
những mối liên hệ qua lại giữa các đơn vị kinh doanh khác nhau của
nó để qua mặt những đối thủ từng dẫn đầu ngành như Apple và Tandy.
Những mối quan hệ này cũng được sử dụng như là cái thay thế cho thị
phần trong một ngành cụ thể, từ đó trung hòa, hạn chế lợi thế cạnh
tranh của đối thủ dẫn đầu.
Chương 12 đã bàn về một dạng cụ thể của mối liên hệ qua lại giữa
các đơn vị kinh doanh, đó là sản phẩm bổ sung (complementing
product), việc bán sản phẩm theo gói (bundling) có thể tạo ra một lợi
thế cạnh tranh ở một số ngành, ngược lại, việc bán sản phẩm theo kiểu
riêng lẻ (unbundling) lại tạo ra lợi thế trong một số ngành khác. Sản
phẩm dịch vụ CMA của Merrill Lynch – một sản phẩm bán theo gói,
kết hợp một số dịch vụ tài chính riêng lẻ trước đó - đã giúp tập đoàn
này chiếm được lợi thế so với những hãng đối thủ cung cấp dịch vụ tài
chính khác.
CÁC HÌNH THỨC KHÁC NHAU CỦA TÁI ĐỊNH NGHĨA