tham gia một chính phủ có chủ trương giết Do Thái chăng. Nhưng mình có
hợp tác trong vụ đó đâu. Mình chỉ chuyên về hành chánh mà thôi.
«Thực ra, Lidia vẫn có quyền hận mình, hay nàng có ghét mình chăng
nữa thì cũng hợp lý. Ngay cả không hợp tác, mình cũng đã nằm trong thành
phần những kẻ sáng lập một thứ xã hội mới. Để thực hiện thứ trật tự mới đó
cho cả Âu châu, những «chuyên viên chính trị đó», đã loại trừ một vài
chủng tộc như Tziganes và Do Thái, mình cũng đã hoạt động cho thứ trật tự
mới đó, thứ trật tự đó chống lại chính con người.» Nên Lidia đã ghét mình,
mình đã góp phần vào công cuộc giết người để tạo nên thứ trật tự mới của
xã hội Âu Châu. Đó là một tội ác lớn lao nhất đời. Nếu còn nói chuyện với
nhau, và nàng có tỏ ra khinh bỉ mình thì cũng là một điều dễ hiểu. Cũng
như nàng đã từng xin ngoại quốc giúp đỡ mà không hề mở miệng yêu cầu
mình một điều gì cả.
Ante đem theo trong xe nhiều thứ, nào thức ăn, nào thuốc men, áo quần,
mền mùng. Tất cả để cho Lidia. Ông ta vội vã qua Đức. Chưa bao giờ ông
vội vã như thế, nên khi ông đến Auschwitz, ông ta hầu như hoàn toàn kiệt
sức. Ante muốn giải thoát Lidia vài phút sớm hơn. Chậm giây nào để Lidia
phải chịu khổ trong cảnh tù đày là lỗi của Ante.
- Thưa ông, bà Lidia Petrovici vừa mới chết.
Nghe thế, Ante đứng lặng người trước viên chỉ huy trại giam đang cầm
giấy tờ phóng thích của Lidia.
Thật tai hại, nếu ông đến đây sớm hơn chừng một tuần thì bà ấy còn
sống. Tai hại quá, một lệnh phóng thích như thế này thật quá đặc biệt. Tiếc
thay lệnh đó đến với một tù nhân đã chết.
- Tôi có thể mang xác về chôn cất ở xứ sở được không?
- Thưa ông, tù nhân chết trong trại giam đều bị đốt, đó là một thông lệ
chung.