đất đó để đưa tôi tới những vùng đất khác, cũng không kém phần đẫm máu.
Tôi sẽ chiến đấu một thời gian ngắn ở vùng đồng bằng. Nhưng nhất là thời
kỳ ở xứ Thái nằm ở phía tây con sông Hồng và đặc biệt là ở dọc con đường
thuộc địa số 413, nối liền vùng đồng bằng với Điện Biên Phủ và Lai Châu,
đi qua Mộc Châu, Bản Thìn, Yên Châu, Chiềng Đông đèo Cò Nòi, Nà Sản,
Sơn La, Thuận Châu, Tuần Giáo.
Bay trên xứ Thái, cái vùng đất rộng lớn này hiện ra mênh mông nhấp
nhô hỗn độn những dãy núi, vách núi dựng đứng, được che phủ gần như
hoàn toàn bởi một dải rừng cây rậm rạp, không tài nào vượt qua được,
ngoại trừ đối với các đơn vị lính dù được huấn luyện đặc biệt, trang bị gọn
nhẹ, biết tự bằng lòng với khối hành trang hạn chế đến mức tối thiểu. Đó là
một vùng đất mà thiên nhiên (địa hình, cây cối, khí hậu, tài nguyên, dân cư)
tác động một cách quyết liệt đến tính chất của các hoạt động tác chiến và
hạn chế hình thái của các hoạt động đó. Ấy vậy mà chúng tôi sẽ vượt qua
tiến đánh bất ngờ quân Việt bằng cách sử dụng những hành trình bất khả
thi.
Ngồi trên chiếc máy bay Dakota chất đầy thực phẩm đưa tôi tới Điện
Biên Phủ, khoảng cách ba trăm kilômét giúp tôi đủ thời gian để điểm lại
tình hình: trang đời Hải Phòng đã được lật giở và chuyện phải là như thế,
cái cuộc sống trong nhung lụa không thích hợp với tôi và trong cái tiểu
đoàn với khuôn khổ hạn hẹp này, tôi đã không phải là chính tôi. Nhưng khi
tới nơi này, tôi sẽ thấy được điều gì đây? Cái xứ sở Đông Dương rồi sẽ ra
sao nhỉ? Liệu chúng ta có đi tới thoả ước không? Nhẩy dù xuống nước
Pháp để giải phóng các đồng bào của tôi quả là việc dễ dàng hơn đấy... Rút
cục, mektoub? Rồi chúng ta sẽ thấy rõ.
Tôi tới nơi đây rồi. Sao mà yên tĩnh đến thế! Một dải thung lũng nhỏ hẹp
tuyệt mỹ ở nơi tận cùng thế giới, ở đó sẽ tha hồ mơ mộng: một ngôi làng
xinh đẹp với những nóc nhà sàn san sát bên cạnh dòng sông Nậm U nước
trong veo, đám cư dân niềm nở tươi cười, những phụ nữ cao to, nước da