lại nghe tin về một người nổi tiếng hay một người bạn nào đó của gia đình
qua đời, và tôi bắt đầu suy nghĩ về cái chết, thế nào mà tôi lại chẳng biết
được chuyện gì sẽ xảy ra với mình, và tôi sẽ về đâu, nếu chẳng may tôi có
hiểu được chuyện gì đang xảy ra đi nữa. Lúc ý nghĩ của tôi tăng lên dồn dập
cũng là lúc tim tôi bắt đầu đập nhanh, da mặt tôi trắng bệch, và sau đó tôi
phải nằm xuống. Khi tập bóng chày ở trường, tôi nghe nói về một thằng bé
học cùng phổ thông với tôi bị chết vì đụng xe. Đúng như triệu chứng trước
đó, tôi có cảm giác váng vất đến mức phải nằm xuống, và khi đồng đội cùng
huấn luyện viên hỏi tại sao tôi lại nằm trên sân, tôi buộc phải đưa ra lời biện
hộ không-ai-thắc-mắc-gì-được: “Em nghĩ em bị tiêu chảy.”
Sau đó, tôi nhận ra rằng dù có sợ hết hồn cái chết thì tôi cũng chưa chắc đã
chết ngay, vì vậy tôi phải học cách đối mặt với nó theo kiểu người lớn càng
sớm càng tốt. Tôi quyết định nói chuyện với bố bởi vì bố là người bình tĩnh
nhất mà tôi từng gặp trong vấn đề chết chóc.
“Bao giờ chết thì chết. Tao đếch quan tâm, bởi vì nó chả phải là vấn đề của
tao. Tao chỉ mong đừng có đùn ra quần dọc đường mà thôi,” là câu nói tôi
nghe được từ miệng ông không ít lần. Tôi cũng muốn có thái độ đó. Hoặc ít
nhất thì tôi cũng muốn biết làm thế nào mà ông lại ung dung được như thế.
Vì vậy một buổi sáng, khi ông đang ăn món Grape-Nuts ở chiếc bàn nhà bếp
và đọc báo, tôi ngồi xuống cạnh ông và rót cho tôi một bát. Sau khi lắng
nghe cả hai bố con nghiền hết hai khẩu phần hạt lúa mì và lúa mạch nguyên
chất nên dùng hàng ngày được vài phút, tôi mở miệng.
“Bố ơi, con có một câu hỏi.”
Ông hé mắt qua tờ báo nhìn tôi.
“Gì thế?” ông hỏi.
Tôi bắt đầu lòng vòng từ đường quang sang đồng rậm, triết lý về tôn giáo và
khả năng có thiên đường địa ngục hay không, sau đó bố ngắt lời tôi.
“Sắp đến câu hỏi chết tiệt nào đấy chưa?”
“Bố nghĩ chuyện gì sẽ xảy ra sau khi chết?”
Ông đặt tờ báo xuống và xúc một thìa Grape-Nuts to tướng vào miệng.
“Ờ. Là hư vô vĩnh cửu,” ông thờ ơ đáp, sau đó cầm tờ báo lên và đọc tiếp.