con đà điểu khi nghe những tiếng la hét này thì rất hoảng sợ, lại chạy nhanh
hơn nữa. Nó cứ chạy thục mạng như thế suốt nửa tiếng đồng hồ, cho tới khi
hai con vật bạn kèm hai bên, ít quen chạy trên cát bằng nó, bắt nó phải
dừng chân lại và đi thong thả hơn.
Khi con đà điểu đã dịu đi đôi chút, tôi nhảy lên con lừa rừng và Phre-
đê-rích lên con lừa con, còn Ruýt-ly và Phrit thì đi trước cùng kèm con đà
điểu. Thỉnh thoảng chúng tôi vụt roi khá mạnh lên lưng nó và đã bắt nó
phải tuân theo dần những thói lề mới. Chúng tôi đi suốt qua Thung lũng
xanh không gặp việc gì mới lạ và về tới trại thật là vui vẻ. Éc-nét và mẹ nó
đón chào chúng tôi với một sự ngạc nhiên chỉ có thế thấy chứ không sao tả
được.
- Trời ơi – Vợ tôi kêu lên khi thấy con đà điều - Các người định đem
cái con chim bồ tượng này về đây làm gì thế? Các người tưởng rằng lương
ăn của chúng ta đã thừa thãi đến nỗi cần phải lặn lội vào tận trong đồng cỏ
bắt về tất cả cầm thú để nhờ chúng ăn giúp cho cạn bớt đi hay sao đấy?
Nghe nói đà điểu ăn cả sắt cũng tiêu được, vậy thì các người định bảo tôi
nuôi nó thế nào bây giờ? Nào, thế các người định đưa nó về để làm cái
nghề ngỗng gì?
- Một tuấn mã hoả tốc, mẹ ạ! – Ruýt-ly trả lời – Nếu mẹ tin lời con nói
thì con ngựa mang thư này phải mang tên là Bay trước gió. Chẳng một con
vật nào chạy nhanh bằng nó cả! Bởi thế con chỉ muốn cưỡi cái con vật có
đôi cẳng lêu đêu này và xin nhường con Bão táp anh dũng cho anh, anh Éc-
nét ạ, anh chưa có gì để cưỡi mà!
Nhưng Phre-đê-rích không đồng ý và thế là tôi lại phải lên tiếng. Cuối
cùng thì đứa nào cũng xin rút lui nguyện vọng riêng và tất cả đều muốn coi
đó là một thắng lợi chung.
Bây giờ mà lên đường trở về nhà thì đã quá muộn. Tôi bèn buộc chặt
con đà điểu vào giữa hai thân cây rồi chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng để hôm sau