dùng những cái đai thật tốt mà chằng vào mình chúng thật chặt, không sao
xộc xệch được. Sau khi sửa lại lối ra vào ở sườn tàu, chúng tôi dắt con lừa
ra, đưa nó lại sát ven thành tàu, đẩy ngay cho nó nhào xuống nước. Thoạt
tiên nó cũng chìm nghỉm, nhưng hai cái thùng rỗng lại kéo nó nổi lên mặt
nước. Nó ngẩng cao đầu lên có vẻ tự hào, rồi khỏa chân bơi mạng dạn như
con cừu lúc nãy. Con bò cái, mấy con cừu và mấy con dê cái cũng theo một
đường như con lừa và cũng làm tròn nhiệm vụ không kém. Con lợn nái lại
làm rầy rà chúng tôi hơn bọn kia, vì nó vừa khệnh khạng lại vừa cứng cổ.
Ấy thế mà, khi rơi xuống nước, nó loay hoay thế nào mà càng ngày càng bỏ
xa bạn bè và rốt cuộc thì nó lại vào bờ trước cả bọn một lúc lâu.
Làm xong cái việc lôi thôi đó, chúng tôi xuống thuyền và tạm biệt
chiếc tàu. Tôi đã cẩn thận buộc vào đầu mỗi con vật một sợi dây khá dài,
đầu kia buộc vào một cái phao ở mạn và lái thuyền để dễ tập hợp chúng lại
quanh chúng tôi. Luồng gió nồm thổi căng buồm lên ngay và đưa chúng tôi
đàn dần vào bờ.
Vừa tự hào vừa thích thú với kết quả hai ngày làm việc chúng tôi vui
mừng lướt sóng trên biển lặng, chung quanh là lũ gia súc lềnh bềnh trồi.
Sức dẻo dai và tốc độ bơi rất đều của chúng đã vượt quá cả dự đoán của
chúng tôi.
Gần tới bờ thì có báo động. Một con cá mập lớn ở đâu bơi vụt tới và
lượn quanh đàn gia súc rồi đâm xổ vào một con cừu cái. Phrê-đê-rích trổ tài
thiện xạ, tặng luôn cho “tên cướp biển” một phát đạn đích đáng. Con cá
mập lủi đi ngay, một dòng máu loang theo nó. Hôm sau, xác nó dạt lên một
hòn đảo nhỏ, cung cấp cho chúng tôi những băng da rất nhám. Thịt nó thì
chim biển rỉa cả xương. Hòn đảo ấy được đặt tên là đảo Cá Mập.
Lướt theo chiều gió thuận, chẳng mấy chốc thuyền đã ghé vào bờ. Tôi
lái con thuyền rất khéo để cho lũ gia súc có thể lên đất liền được dễ dàng.
Sau khi cởi dây thừng buộc chúng vào thuyền, tôi thả cho chúng bơi tự do
vào bờ.