hàng đầu trong thiên hạ. Kể từ Luận võ Đại hội lần thứ nhất cách đây một
trăm năm, lệnh bài này trước sau đều thuộc về Thanh Huyền phái.
Nhưng, cách đây một trăm năm, khi vẫn chưa có Luận võ Đại hội, tấm
lệnh bài này từng thuộc sở hữu của Thanh Sơn phái. Thanh Sơn phái khi đó
cũng được gọi là Thanh Huyền phái, hay nói cách khác, Thanh Huyền phái
thực ra từng là tên gốc của Thanh Sơn phái. Đệ tử Thanh Sơn phái từ nhỏ
đều được nghe sư phụ hoặc sư thúc kể chuyện xưa, về những năm tháng
huy hoàng của Thanh Sơn phái, và về ân oán với Thanh Huyền phái hiện
nay.
Cách đây một trăm mười năm, Phụng Tường đế giết huynh đoạt ngôi,
trở thành vị hoàng đế thứ tám của Ứng triều, nhưng từ khi ông ta kế vị thì
người trong thiên hạ quen gọi Ứng triều là Nam Ứng. Phụng Tường đế lên
ngôi, thay quốc phục đổi quốc kỳ, thiết lập lại cúng tế. Quy củ trong huyền
môn đạo phái cũng vì thế mà chịu ảnh hưởng. Chưởng môn Thanh Huyền
phái khi đó là Đức Toàn Tử cùng thứ sư đệ Đức Trung Tử xung khắc quan
điểm, Đức Trung Tử ăn trộm lệnh bài "Thiên Hạ Đệ Nhất Phái", đứng ra lập
môn hộ riêng, tự xưng mình mới là Thanh Huyền phái chính tông, phê phán
Đức Toàn Tử cố chấp theo lề thói cũ, không biết linh hoạt ứng biến, không
xứng chấp chưởng môn phái hàng đầu trong thiên hạ. Sự vụ càng lúc càng
rầm rĩ, truyền tới tai Phụng Tường đế, ngài ngự phán rằng, "Chuyện thế
gian, vốn dĩ đã chẳng có gì là đương nhiên hay không đương nhiên, bọn họ
đều tự nhận mình là chính tông, chi bằng so tài thử xem, kẻ thắng sẽ là
chưởng môn Thanh Huyền phái. Cứ mở ra một đại hội luận võ, phái nào vô
địch thì được ban lệnh bài 'Thiên Hạ Đệ Nhất Phái'."
Vậy là Phụng Tường đế bèn giáng chỉ mở ra Luận võ Đại hội lần đầu
tiên, đích thân cầm cân nảy mực. Trong đại hội lần ấy, Đức Toàn Tử bệnh
cũ tái phát, phải chịu thua sư đệ Đức Trung Tử, từ đó, Thanh Huyền phái
chân chính đành phải đổi tên thành Thanh Sơn phái, còn môn phái do Đức
Trung Tử tự lập ra được mang tên Thanh Huyền phái. Lệnh bài "Thiên Hạ
Đệ Nhất Phái" cũng vì thế mà rơi vào Đức Trung Tử.