khóc. Ta cảm thấy giận dữ hệt như nỗi đau của họ là nỗi đau của riêng ta.
Ta không quen biết với ai trong số họ, nhưng ta không thể bỏ qua. Tâm trí
ta bị họ cuốn hút."
Đôi mắt thầy rơm rớm. Tôi cố lái câu chuyện sang chủ đề khác nhưng thầy
đưa khăn tay chậm lên mắt rồi phẩy tay.
"Độ rày thầy mau nước mắt lắm. Con đừng quan tâm."
Thật kỳ lạ! Bao năm vật lộn trong nghề báo, tôi đã viết vô số phóng sự về
những cảnh chết chóc. Tôi phỏng vấn những người thân đang nức nở bên
xác người đã khuất, tôi dự biết bao đám tang. Nhưng tôi chưa từng rơi một
giọt lệ nào. Thế mà thầy Morrie lại khóc cho những người ở cách thầy tới
tận nửa vòng trái đất. Tôi chợt nghĩ: Phải chăng đứng trước cái chết mọi
người đều trở nên bình đẳng và cái chết buộc con người phải nhỏ lệ thương
tiếc đồng loại?
Tiếng ho của thầy Morrie rít lên nhu tiếng còi xe hơi trong chiếc khăn tay
bịt miệng. "Con đã nhàm với những cảnh đàn ông khóc lóc rồi, phải
không?"
Tôi gật đầu thật nhanh.
Thầy nhăn mặt. "Ôi, Mitch. Bấy lâu nay ta thả lỏng con quá mất rồi. Rồi sẽ
có hôm ta sẽ cho con biết tay."
"Vâng, vâng." tôi đáp.
"Vâng, vâng", thầy nhại lại.
Chúng tôi cùng cười vang khi thầy dùng lại lối nói của hai chục năm về
trước. Dạo đó, các giờ lên lớp của thầy thường rơi vào ngày thứ Ba hàng
tuần. Chính vào những ngày thứ Ba, sau giờ giảng chúng tôi thường gặp
nhau trong phòng làm việc của thầy, tại quán cà phê trong trường hay trên
những bậc thềm của toà nhà Pearlman Hall. Thầy trò cùng gọt giũa những
bài luận của tôi.
Và bây giờ, chẳng hiểu Tạo hóa xếp đặt ra sao mà chúng tôi lại gặp nhau
vào ngày thứ Ba trong ngôi nhà có cây thích Nhật Bản mọc trước của của
thầy. Khi tôi nói ra suy nghĩ này với thầy Morrie, ông mỉm cười bảo:
"Chúng ta là những người thứ Ba."
Đột nhiên, thầy Morrie nói "Mitch, con ngạc nhiên về mối quan tâm của ta