nổi!? Bây giờ, thầy chỉ ăn được đồ mềm và đồ lỏng thôi,"
"Nhưng sao thầy không nói với em nhỉ?" - Tôi hỏi.
Cô cười "Thầy không muốn anh buồn".
"Không! Điều đó không làm em buồn. Em chỉ muốn giúp thầy theo một
cách nào đó. Ý em là, em chỉ muốn mang đến cho thầy một cái gì đó..."
"Thì anh đã mang đến cho ông ấy một cái gì rồi! Thầy mong anh suốt.
Thầy khoe đang cùng anh thực hiện một công trình gì đó; rằng thầy phải
tập trung toàn tâm toàn sức để chạy đua với thời gian. Cô nghĩ, việc này
khiến thầy cảm thấy mình vẫn còn hữu ích..."
Một lần nữa, cô lại quay nhìn đi chỗ khác. Cô đứng đây mà tâm trí để ở đâu
đâu. Tôi hiểu. Ban đêm là lúc những cơn ác mộng đến hành hạ thầy. Càng
ngày thầy càng không thể ngủ được và dĩ nhiên, cả cô cũng thế. Thầy nằm
thao thức, ho liên hồi nhiều giờ liền, cố buộc đống đờm dãi bướng bỉnh bật
ra khỏi cổ họng. Hiện các hộ lý đã phải tức trực suốt đêm bên giường thầy.
Ban ngày, học trò cũ, các giáo sư đồng nghiệp, và cả những hướng dẫn viên
tham thiền nườm nượp ra vào thăm thầy. Có ngày, thầy phải tiếp đến nửa tá
khách khứa. Họ ở lại tới tận khi cô Charlotte đi làm về. Cô chịu đựng
"những kẻ đột nhập" với vẻ kiên nhẫn đáng nể dẫu rằng những giây phút
quý báu của cô ở bên thầy đang bị những người khác tước đoạt.
"… cảm thấy hữu dụng" - cô tiếp - "Anh biết không, điều đó có ý nghĩa biết
nhường nào!"
"Em cũng hy vọng như vậy" - Tôi thẫn thờ đáp.
Tôi giúp cô bỏ mớ thực phẩm mới vào tủ lạnh. Trên bệ bếp lỉnh kỉnh những
mảnh giấy ghi chú, những tờ nhắn tin, hướng dẫn sử dụng thuốc. Mấy lọ
thuốc mới hiện diện thêm trên bàn - Selestone dùng để kìm nén những cơn
suyễn cho thầy. Afivan để giúp thầy ngủ, Naproxen để chống viêm nhiễm -
cùng với một hộp sữa bột và thuốc nhuận tràng. Có tiếng gì như tiếng kẹt
cửa vọng lại tù phía hành lang.
"Có lẽ thầy đó… Để cô đi xem sao".
Cô Charlotte lại liếc nhìn đống thức ăn. Đột nhiên tôi thấy xấu hổ quá. Ai
đời lại đi mua những thứ mà thầy sẽ chẳng còn bao giờ được thưởng thức
nữa.