Nỗi khủng khiếp về bệnh tật của thầy lớn dần lên khi tôi ngồi xuống cạnh
thầy. Thầy ho dữ hơn. Một cơn ho khan khiến lồng ngực thầy rung lên bần
bật, xô thầy nhổm về phía trước. Dứt cơn, thầy nằm bất động, mắt nhắm
nghiền, chỉ có phần ngực còn nhúc nhích lấy hơi. Tôi ngồi yên, ngậm ngùi
nhìn thầy vận dụng toàn bộ sức lực.
"Máy đã bật lên chưa?” - Thầy hỏi bất thình lình mà mắt vẫn nhắm nghiền.
"Rồi, rồi ạ!” - Tôi hấp tấp miệng trả lời thầy, tay cập rập nhấn đồng thời hai
nút "Play" và "Record".
"Điều thầy đang làm ngay lúc này đây là", thầy nói tiếp, vẫn không mở mắt
"tự siêu thoát khỏi nỗi thăng trầm của cuộc đời".
"Tự siêu thoát?"
“Đúng vậy! Tự siêu thoát. Điều này không quan trọng đối với một người
đang hấp hối như thầy bằng đối với con người đang tràn trề sức sống. Hãy
học cách tự siêu thoát".
Thầy mở mắt, thở hắt ra:
"Con có nhớ lời nhà Phật nói như thế này: Đừng bám víu vào cái gì cả, bởi
lẽ mọi thứ đều vô thường".
"Nhưng khoan đã, thưa thầy. Chứ không phải như thầy vẫn luôn nói về việc
chiêm nghiệm cuộc sống đấy sao? Tất cả những cảm xúc dễ chịu cùng tất
cả những cảm xúc tồi tệ?"
"Phải rồi!"
"Con không hiểu, làm sao thầy có thể làm thế nếu thầy siêu thoát?"
"Ồ! Con đã bắt trúng mạch suy ngẫm rồi đấy. Mitch à. Nhưng siêu thoát
không có nghĩa là ta không để cho dòng đời thâm nhập vào ta. Trái lại, ta
phải để cho nó tràn ngập vào con người mình. Đó là cách ta bứt phá khỏi
nó."
Tôi hoàn toàn mít đặc.
"Hãy cảm nhận mọi xúc cảm - yêu một người con gái, hay khóc than cho
một người thân, hay chịu đựng điều thầy đang trải qua: nỗi khiếp đảm, sự
đau đớn vì căn bệnh quái ác. Nếu ta kìm nén cảm xúc, nếu ta chạy trốn
chúng, không cho chúng tự do chu du, thì ta sẽ không bao giờ siêu thoát
được - vì ta còn mải sợ hãi!.. Ta sợ hãi nỗi đau, ta sợ hãi nỗi sầu bi, ta sợ