Âu để xem các màn trình diễn ấn tượng được thiết kế nhằm mục đích thu hút
thêm nhà đầu tư vào quỹ của tôi. Cô rất nhiệt tình với lối tiếp cận giá trị dài hạn
của quỹ đến nỗi một mình cô đã đầu tư vào quỹ đến 2 triệu đô la. Nhưng niềm tin
vào đầu tư dài hạn của cô nhanh chóng tan rã, và cô rút tiền ra vào tháng Một
năm 2009. Tôi bị sốc. Không rõ do cô không thể chịu được nỗi đau hay do thực
sự cần tiền vì cô đơn giản là không thể chịu nổi những mất mát chúng tôi đã trải
qua. Nỗi tuyệt vọng của cô là một dấu hiệu gần như hoàn hảo cho thấy chúng tôi
đã đến cùng cực của bi quan. Chỉ một vài tháng sau, thị trường chạm đáy và bắt
đầu bò lên lại (tháng Ba năm 2009 thị trường chứng khoán Mỹ đã hồi phục ngoạn
mục, đầy đánh dấu một thời điểm hồi phục trong chu kỳ mười năm tiếp theo tới
tận bây giờ của thị trường chứng khoán - chú thích của người dịch).
Chỉ duy nhất một trong số tất cả các nhà đầu tư tổ chức là không rút tiền ra,
phần đa phải thoái vốn vì bản thân họ cũng cần tiền để xoay xở. Nhưng, đại đa số
các cổ đông cũng tôi vẫn kiên gan bền chí, tin tưởng rằng thế cờ rồi sẽ xoay
chuyển. Quan trọng nhất, bố tôi -người đã đối mặt với những nguy hiểm chết
người thời còn là binh sĩ Israel - giữ được một thái độ bình tĩnh tuyệt vời. Ở cao
điểm của cuộc khủng hoảng, khi non nửa số tiền dành dụm cả đời ông đã bốc hơi,
ông hỏi tôi liệu ông có nên rút một ít tiền ra khỏi quỹ hay không. Tôi nói đây là
thời điểm tệ hại nhất để bán cổ phiếu, và tôi bảo ông rằng tôi thà sống trong nhà
lá còn hơn lấy bất kỳ xu nào ra. Với niềm tin không gì xoay chuyển, ông không
rút ra một đồng nào, mặc dù ông hoàn toàn có thể rút hết tiền ra mà chỉ cần thông
báo ngắn gọn cho tôi. Phần hùn của ông lớn đến nỗi ông hoàn toàn có thể khiến
công việc kinh doanh của tôi đóng cửa ngay nếu muốn. Nhưng ông không bao
giờ mất niềm tin vào tôi. Khi nhìn lại, tôi nhận ra rằng tôi đang đứng trên vai một
người khổng lồ. Không có sức mạnh của ông với vai trò một cộng sự thầm lặng,
ắt hẳn tôi đã không thể thành công.
Với các nhà quản lý quỹ, vấn đề cổ đông rút tiền là một vấn đề căng thẳng
và khó khăn. Trước khủng hoảng, quỹ của tôi quản lý 120 triệu đô la. Thị trường
sụp đổ và số tiền này rớt xuống còn 60 triệu. Tệ hơn nữa, cổ đông thoái vốn thêm
10 triệu. Một trong những lý do là vì thời hạn thông báo trước rút tiến là 90 ngày
khiến tài sản nằm trong quỹ có tính thanh khoản cao. Nhiều quỹ phòng hộ khác
thực sự ngưng không cho cổ đông rút tiền, thu lợi từ những câu nằm sâu trong
hợp đồng được viết nên bởi những luật sư khôn lanh nhằm bảo vệ lợi ích của quỹ.
Tôi cảm thấy cách làm này không ổn.