đóng tiền bát gạo hay không? Sau trải nghiệm tích cực làm chủ một buổi tiệc
Tupperware, tôi đã trở nên cam kết quá mức về mặt tâm lý với ý tưởng được sở
hữu cổ phiếu này, và tôi đã không lùi lại đủ xa để nhìn thấy được kẽ hở chết
người của nó.
Chuyến đầu tư thất bại này đã dạy tôi một bài học vô giá: tôi muốn mình chỉ
đầu tư vào những công ty đem lại lợi ích song phương trong hệ sinh thái nơi nó
tồn tại. Nói theo ngôn ngữ tư vấn, chúng ta xem hệ sinh thái là một “chuỗi giá
trị”. Thuật ngữ không quan trọng. Quan trọng là ý tưởng công ty tuyệt vời làm ra
nhiều tiền trong khi tạo thêm giá trị thực cho khách hàng của nó. Thoạt đầu,
Tupperware đã làm được điều này bằng cách giới thiệu một sản phẩm đầy tính
sáng tạo. Giờ thì điều đó không còn đúng nữa.
Trái lại, hãy nhìn một doanh nghiệp hàng đầu thế giới như Wal-Mart (hay
Costco, GEICO, hay Amazon.com). Wal-Mart cố gắng để bán hàng với giá bớt
đắt đỏ hơn cho người tiêu dùng, liên tục loại bỏ ngày một nhiều chi phí ra khỏi hệ
thống phân phối. Điều này làm người tiêu dùng hài lòng, nên ngày càng có nhiều
người muốn làm ăn với Wal-Mart hơn. Bạn có thể nghĩ rằng các nhà cung cấp
của Wal-Mart không vui vì biên lợi nhuận của họ bị bóp lại. Nhưng các nhà cung
cầu này được hưởng lợi từ số lượng sản phẩm bán ra từ các cửa hàng Wal-Mart.
Mọi người trong hệ sinh thái này đều là người thắng cuộc: Wal-Mart và cổ đông
của mình, các nhà phân phối, và cả khách hàng. (Nói vậy chứ tôi chưa bao giờ
mua Wal-Mart vì công ty đã quá lớn và cổ phiếu đã quá đắt nên không phù hợp
với các tiêu chí tôi đưa ra. Và dĩ nhiên, Wal-Mart cũng bị cáo buộc đang làm giàu
bằng cách đẩy chi phí sang các doanh nghiệp địa phương và vắt kiệt lực lượng
lao động của công ty).
Trong tương lai, tôi quyết tầm phân tích kỹ cả chuỗi giá trị để nhận diện
những công ty đem lại hiệu quả cao hơn. Phân tích này ắt hẳn có thể giúp tôi
tránh được những sai lầm như Tupperware. Nó cũng giúp tôi tránh khỏi những
công ty quá dị biệt như Philip Morris (một doanh nghiệp có lợi nhuận khủng
đang tàn hại sức khỏe của khách hàng) và công ty xổ số quốc gia Hy Lạp OPAP
(một doanh nghiệp có lợi nhuận khủng đang tàn hại túi tiền của khách hàng). Cả
hai công ty đều đường đường chính chính được cấp phép để in ra tiền. Nhưng họ
làm được điều đó bằng cách đánh vào điểm yếu của người khác. Đối với người
tiêu dùng nói riêng và xã hội nói chung, đây không phải một khoản đầu tư có lợi
cho các bên.