hôm, hầu đi nuôi Định.
Lần nầy thì Định được "nuôi" bằng nem với bánh mì, cây nhà lá vườn cho
đỡ tốn, Liên có bổ túc thêm cuộc tiếp tế hôm nay bằng mấy phong bánh in
bổn lập, chỉ có thế thôi, vì nàng không nỗ lực thêm được nữa.
Từ tháng nay, Định buồn ghê đi. Không người tiếp tế, chàng vẫn có đồ ăn
ngon của bạn đồng lao may mắn hơn, san sớt cho. Nhưng chàng cứ nghe
thiếu. Chàng không yêu Liên, nhưng hồ nghi rằng Liên không đi "nuôi" là
vì hết yêu chàng, chàng buồn lắm.
Lòng ích kỷ của con người thật là kỳ dị. Tình yêu của Liên, Định không
nhận nhưng cứ muốn để đó, không cho ai rớ tới cả. Để đó làm gì? Chàng
cũng không biết nữa! Hay ý thức của chàng không biết, mà tiềm thức chàng
biết? Đó là cái bánh sơ cua, cái bến nho nhỏ mà con thuyền của chàng sẽ
tấp vào, nếu rủi ro chàng phải đau vì Lan quên chàng.
Ừ, nếu Lan quên chàng, chàng sẽ không đủ can đảm để đi tìm tình yêu nữa,
nhưng chàng rất cần sự an ủi của một bà mẹ, một người chị là Liên.
Định buồn và hơi ghen khi tưởng tượng đến một cuộc yêu đương của Liên
ngoài đời. Liên chỉ già đối với thanh niên thôi, chớ nàng vẫn hấp dẫn
những người đồng lứa với nàng, nhứt là với những ông nhà giàu cao niên.
Chàng nhớ có một lần chàng đứng uống nước trước quầy thu tiền, chàng
được nghe Liên, nhơn lúc vui tính, kể câu chuyện sau đây:
- "Có một người khách, chừng là học trò, trông như bấm ra sữa đã đeo đuổi
nàng hơn ba tháng trời. Cậu ấy cũng đứng chỗ chàng đứng để uống rượu và
tán tỉnh, bị Liên gọi bằng em, cậu ta bất đếm xỉa; bị Liên cự rồi làm mặt thờ
ơ lạnh lùng, cậu ta viết hơn bảy chục lá thơ, nhờ bồi rượu mang đến. Rồi