gỡ bỏ, và có vẻ cũng đã quá muộn để hội nhập vào quê hương mới, nhưng
Nhàn cũng không muốn nối tiếp cuộc sống bị đứt đoạn bởi ngày 30-4-1975
với những hoài thưởng, chắp nối, mộng mị trong những ốc đảo tị nạn. Và
như thế Nhàn đã trở thành kẻ cô đơn giữa hai con đường mà hầu hết người
Việt Nam ly hương đã chọn.
Ngoài những giờ đi làm và đi học, Nhàn quanh quẩn ở nhà. Lisa được học
bổng của Đại học Harvard đã đi Boston để học y khoa, trong nhà chỉ còn
Tuấn và Phượng. Một ngày không xa lắm, Tuấn cũng sẽ rời nhà để vào đại
học, Phượng đang có người yêu, và không bao lâu nữa sẽ theo chồng. Mọi
người đều có đời sống riêng, và Nhàn sẽ đứng lại trong nỗi cô đơn.
Văn phòng luật sư nơi Nhàn làm việc ở gần khu phố Bolsa, trung tâm
thương mại nhộn nhịp nhất của người Việt tị nạn. Hàng ngày, Nhàn nhìn
sinh hoạt của cộng đồng người Việt mà cảm thấy như đang sống trong
những cơn mê giữa ban ngày, vừa nghe ấm trong lòng vừa xót xa trong nỗi
chán chường.
Thấy Nhàn có nhan sắc và sống độc thân, nhiều người đàn ông đã xáp lại
như những tay thợ săn nhìn thấy bóng nai. Những người đàn ông tuổi trung
niên, phần đông đã ra đi một mình, nhưng cũng có người đang sống với vợ
con và nghĩ rằng săn đàn bà cũng dễ như săn nai. Sau một thời gian theo
đuổi, những người này đã bỏ cuộc trước sự lạnh nhạt, đôi khi tàn nhẫn của
người đàn bà mang dáng vẻ nhu mì lịch lãm nhưng tâm hồn thì đã đóng
băng. Không có người đàn ông nào đủ sống lay động và làm tan khối băng
trong tâm hồn Nhàn.
Nhưng không phải tất cả đàn ông tị nạn đều là thợ săn. Có những người
đàn ông trung thành mà Nhàn đã tiếp ở văn phòng luật sư. Họ tới để nhờ
làm hồ sơ bảo lãnh cho vợ con ở Việt Nam. Họ tỏ ra đứng đắn và nôn nóng
được đoàn tụ gia đình. Có người được toại nguyện, có người không.
Một buổi trưa, Nhàn tiếp một người khách quen bước vào văn phòng với
gương mặt buồn bã.
- Chào ông Thông. - Nhàn lễ phép đứng dậy chào khách và mỉm cười
nhưng đôi môi đã chợt đọng lại trước vẻ buồn trên gương mặt người đàn
ông. - Mời ông ngồi ạ.