LỬA HÒA BÌNH - Trang 111

văn phòng trước mặt nhiều người. Anh ta như bị đè nặng dưới một khối
đá ngàn cân sau khi thuật lại thảm kịch của vợ con.
Nhàn không tìm được lời nào để an ủi Thông. Cô cũng đã sống qua cảnh
ấy, và không phải chỉ một lần. Cô lặng lẽ ngồi nhìn Thông hồi lâu rồi nhẹ
nhàng đứng lên đi vào bếp, đem ra một tách trà nóng đặt xuống trước mặt
Thông. Bỗng, cô thấy bàn tay mình đặt trên vai Thông. Để an ủi anh ta
hay an ủi chính mình? Nhàn tự hỏi.
Từ đó, thỉnh thoảng Thông tới thăm hay gọi cho Nhàn, để nói vài câu
chuyện, không liên quan đến ai. Nhàn cảm thấy bớt cô đơn mỗi khi nói
chuyện với Thông, vì người đàn ông tị nạn này không giống những người
đàn ông tị nạn khác - thường chỉ làm cho Nhàn cảm thấy cô đơn hơn mỗi
khi tiếp xúc.
Có lần Thông hỏi Nhàn:
- Tại sao cô không làm nhà văn, hay nhà thơ?
- Tại sao anh không làm văn sĩ hay thi sĩ? - Nhàn cười hỏi lại.
- Tại tôi không có tài văn chương. Bài thơ cô làm ở trại Bidong thật hay.
Tôi đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần và đã thuộc lòng.
- Đó không phải là thơ mà chỉ là những xúc cảm tôi không đè nén được.
Anh là người duy nhất đã đọc bài ấy.
- Và đó chính là thơ khi nó làm người khác xúc cảm. Tôi đọc nhiều sách
nhiều thơ của các văn sĩ thi sĩ mà không thấy xúc cảm gì cả. Chỉ phí thì
giờ. Họ viết những điều không dính dáng gì đến mình.
- Nhưng họ là văn sĩ và thi sĩ. Cũng như anh là kỹ sư, là sĩ quan...
- Bởi vì vậy Cộng sản mới chiếm được miền Nam...
- Anh muốn nói gì vậy?
- Tôi muốn nói về những người đã không làm đúng với vai trò của mình.
Đáng lẽ tôi không nên có mặt tại đây. Một người lính bỏ chạy trước quân
thù, bỏ quê hương để đi tị nạn nơi nước khác.
- Ồ, việc ấy không đơn giản như vậy. Hơn nữa, anh có phải là người quyết
định đâu.
- Vâng, tôi có thể lý luận như vậy để tự bào chữa. Nhưng tôi không muốn
tự bào chữa.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.