có thể không gặp Thông, không nói chuyện với Thông, nhưng không thể
quên hẳn Thông. Những kỷ niệm, những lời nói, những hơi thở, những
phút ái ân, những cảm xúc... vẫn lẩn khuất đâu đó trong tâm hồn để vào
một lúc bất chợt hiện ra làm cô xao xuyến, dù phần lý trí có ngôn ngữ
khác. Nhàn cũng không biết chắc mình sẽ phản ứng ra sao nếu rơi vào
hoàn cảnh bất ngờ bị Thông cám dỗ trong một phút yếu lòng.
Một buổi sáng vào đầu tháng 11, hai đứa bé đã đi học, Phượng đã đi làm,
Nhàn cũng đang sửa soạn rời nhà bỗng Thông xuất hiện ở cửa với một bó
hoa hồng trên tay, miệng cười thật tươi, và đôi mắt long lanh những tia
sáng mà chưa bao giờ Nhàn được thấy. Cô đứng sững nhìn Thông, miệng
lắp bắp:
- Cái gì thế này? Anh lại điên rồi à?
Thông đưa bó hoa cho Nhàn rồi giơ cao hai cánh tay nói lớn:
- Điên rồi! Điên thật rồi! Sướng quá! Cộng sản sụp đổ hết rồi!
Bất ngờ, Thông ôm chặt lấy Nhàn và hôn lên môi cô. Nhàn không đáp lại
mà cũng không phản đối. Cô bị tê cứng vì xúc động. Phải mất khoảng một
phút cô mới mở miệng được.
- Anh nói cái gì vậy? Cộng sản nào sụp đổ?
- Thế em không coi ti-vi à? - Thông bước ra giữa phòng, chỉ tay vào chiếc
máy truyền hình ở một góc - Mở ra đi, sẽ thấy... Ba-lan, Hungary, bây giờ
tới Đông Đức. Người ta đang kéo nhau ra đập phá Bức Tường Bá-linh...
Thật không khác nào trong một giấc mơ...
Nhàn mở máy truyền hình. Quả thật tất cả các đài đang trực tiếp tường
trình cảnh đập phá "bức tường ô-nhục" ở Berlin với cả một rừng người
đang cuồng nhiệt reo hò, phất cờ, ca hát, ôm nhau, hôn nhau...
Nhàn nhìn như bị thôi miên. Cô trông thấy những ánh mắt long lanh hạnh
phúc, những giọt lệ trên má những người già, những nụ cười rạng rỡ trên
môi những người trẻ... Sau hơn 40 năm bị đàn áp và nhục mạ, những con
người can đảm ấy đã dành lại được tự do. Nhưng, dường như trong những
tia nhìn, những giọt nước mắt của họ chứa đựng nhiều thứ khác hơn chỉ là
tự do. Nó bộc lộ sự hồi sinh, niềm tự hào. Họ như muốn hét to lên rằng:
"Chúng tôi không phải là loại người mà thế giới bên ngoài đã nhìn trước