- Hình như mọi con đường của người Việt Nam đều bế tắc, cách này hay
cách khác...
- Đúng vậy. Muốn khai thông thì phải làm như dân Đông Âu.
Nhiều người Việt ở hải ngoại hy vọng làn gió dân chủ ở Đông Âu sẽ thổi
qua Việt Nam và họ say mê theo dõi những biến chuyển dồn dập xảy ra
trên vùng đất ấy. Sau Ba-lan, Đông Đức đến Bun-ga-ri, Tiệp-khắc, và
Romani. Trước kia, Nhàn rất ít xem ti-vi và đọc báo nhưng trong những
ngày cuối năm 1989, không đêm nào cô không dán mắt vào chiếc máy
truyền hình cho đến khuya, nhất là cuộc cách mạng hào hùng và đẫm máu
ở Romani mà cuối cùng vợ chồng tên độc tài đỏ Ceausescu đã bị xử bắn
trong ngày Lễ Giáng Sinh.
Sang năm 1990, toàn bộ các chế độ cộng sản ở Đông Âu đã sụp đổ. Những
ngày sôi động đã lắng xuống. Các dân tộc dành lại được tự do bận rộn xây
dựng nền móng mới cho cho một xã hội dân chủ. Đó cũng là lúc người tị
nạn Việt Nam bắt đầu cảm thấy buồn và thất vọng khi nhìn về đất nước của
họ vẫn im lặng chìm trong bóng tối.
Nhàn trở lại công việc hàng ngày với một tâm hồn trống trải. Người tị nạn
vẫn tiếp tục tới Mỹ. Những người ra đi muộn màng mà Nhàn gặp mỗi ngày
ở Sở Xã-hội với những bộ quần áo tặng phẩm nhà thờ và những gương mặt
chưa phai nắng gió nơi các trại tị nạn, những đôi mắt còn in dấu những
cuộc vượt biển gian truân. Trong khi đó, những người ra đi trước lại trở về
với tư cách Việt kiều ngày càng nhiều, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán,
xênh xang "áo gấm về làng". Đôi lúc Nhàn không tránh khỏi cảm giác hổ
thẹn và không muốn người khác nhìn mình như một người Việt Nam.
Tết năm ấy không nhằm ngày nghỉ cuối tuần, Nhàn vẫn tới sở làm việc.
Sáng mùng một Tết, cô ngồi ở văn phòng và cảm thấy thật cô đơn. Lisa từ
Boston gọi điện thoại tới sở chúc Tết mẹ. Nhàn vừa nói chuyện với con
vừa giấu những giọt nước mắt. Lại một cái Tết nhạt nhẽo nữa trôi qua trên
xứ người.
Vài người tị nạn đang ngồi trong phòng đợi để chờ được phỏng vấn xin tiền
trợ cấp. Nhàn xem hồ sơ và bước ra gọi tên một người. Nguyễn Văn
Bình. Cái tên không có gì đặc biệt, và người thanh niên đẩy cửa bước vào