cũng không có gì đặc biệt, cử chỉ dè dặt lễ độ. Nhàn chỉ chiếc ghế trước
bàn giấy ra hiệu cho khách ngồi rồi lại cúi nhìn xuống xấp hồ sơ.
- Anh ở Thái-lan lâu dữ hả. - Nhàn nói trong lúc vẫn coi hồ sơ.
- Vâng, ba năm. - Bình trả lời.
- Anh đi đường bộ à?
- Dạ... vâng.
- Anh không có thân nhân nào ở Mỹ à?
- Dạ... không.
- Vậy ai nhận bảo trợ cho anh?
- Em được nhận vào diện "hốt rác".
- Anh nói tiếng Anh khá không?
- Dạ... tàm tạm thôi.
- Chính sách mới của tiểu bang đối với người tị nạn không dễ dãi như mấy
năm trước nữa. Trong khi nhận trợ cấp, anh sẽ phải trình diện sở tìm việc.
Người ta sẽ khảo sát tiếng Anh và giới thiệu việc làm cho anh. Nếu anh
không nhận việc và không đi làm, tiền trợ cấp sẽ bị cúp.
- Vâng.
- Anh có gì cần hỏi không?
Bình ngập ngừng:
- Cô Nhàn, cô không nhận ra cháu à?
Nhàn giật mình ngạc nhiên, nhìn kỹ người thanh niên, cố bới trí nhớ xem
Nguyễn Văn Bình là ai.
- Cháu là cháu chú Thái.
Nhàn đưa một bàn tay nén ngực, trố mắt nhìn Bình, miệng không thốt nên
lời. Hình ảnh đứa cháu ở chung với Thái trong ngôi nhà ở đường Tú
Xương hiện nhanh trong óc cô. Lúc ấy Bình mới mười lăm mười sáu tuổi,
nay trên gương mặt người thanh niên tị nạn dạn dày không còn dấu vết gì
của cậu bé năm xưa. Khi Thái tổ chức vượt biên có đem Bình theo, nhưng
cuộc ra đi bị đổ bể, người bị bắn chết, kẻ bị bắt. Nhàn không còn gặp lại
Bình. Trong lúc Nhàn vẫn còn ngồi im vì xúc động, Bình nói tiếp:
- Khi cuộc vượt biên thất bại, cháu bị tù một năm. Ra tù, cháu cố tìm cô
nhưng không biết cô ở đâu.