lần. Tôi phải la hét ầm ỉ chúng mới bỏ đi.
- Dì Hai còn ở đây đến bao giờ?
- Tôi không biết. Ông bà ấy dặn tôi ở giữ nhà độ một tuần lễ để chắc chắn
là họ đã đi được rồi. Sau đó thì có trời mà biết! - Bà gia nhân tốt bụng nhìn
Nhàn và mấy đứa bé. - Cô không đi được à? Tội quá. Chắc mọi người đều
mệt và đói. Để tôi đi hâm thức ăn mời cô và các cháu ăn rồi nghỉ đây qua
đêm xem ngày mai ra sao. Có cô tôi cũng đở sợ. Cô thấy tình hình ra sao?
- Thì tôi cũng như dì. Phó mặc cho trời.
- Vậy cô không tính đi nữa à?
- Không. Dì cho ngủ nhờ đêm nay. Mai tôi sẽ cho mấy đứa nhỏ về Lái
Thiêu sớm.
Sáng hôm sau, 30-4, Sài-gòn mang sắc diện của một thành phố đang hấp
hối với những người dân ngơ ngác chạy quanh. Rải rác có những ổ kháng
cự nơi các góc phố. Những chướng ngại vật chống xe tăng trên đường.
Có những người lính ghìm súng đằng sau những bao cát, trông "bình
thường" như công việc hàng ngày của họ suốt hai mươi năm qua, và không
biết đến việc các ông tướng của họ đã lên máy bay rời khỏi Việt Nam, và
họ chỉ còn vài giờ nữa để sống nếu tiếp tục chiến đấu.
Ý nghĩ ấy làm Nhàn cảm thấy khó chịu. Tới một ổ kháng cự gần ngã ba
Hàng Xanh, Nhàn ngừng lại cho ba đứa bé nghỉ chân và tới gợi chuyện với
bốn người lính tại đây.
- Các anh đóng ở đây bao lâu rồi?
- Hai ngày... - Người lính trẻ nhất râu ria lởm chởm trên gương mặt xạm
đen trả lời và hỏi lại. - Chị không biết có lệnh giới nghiêm à?
- Tôi phải đưa mấy đứa con về nhà.
- Nhà chị xa không?
- Ở Lái Thiêu.
- Chà, đường đi nguy hiểm lắm đấy. Chúng tôi đang chờ xe tăng Việt
Cộng tiến vào từ hướng ấy.
- Các anh có chặn nổi chúng không?
Một người lính trông kềnh càng với những trái lựu đạn đeo lủng lẳng trên
ngực chiếc áo giáp chỉ tay vào mấy ống hoả tiễn chống chiến xa để trong