Người ta gặp nhau chỉ để rỉ tai nhau tìm đường đi. "Nếu có chân, cột đèn
cũng đi". Hay, "những người còn ở lại chỉ là vì nghèo, hoặc nhát, hoặc
ngu". Những câu truyền miệng thời thượng. Thật ra, việc đi hay ở không
chỉ đơn giản như vậy. Nó là một quyết định cực kỳ quan trọng mà ít khi
con người phải đối diện trong đời, liên quan đến những đêm suy tư, những
ngày tính toán, những cân nhắc lựa chọn về các giá trị của đời sống. Mỗi
cuộc vượt biên là một mạo hiểm phi thường, không phải chỉ là ném mạng
sống vào một canh bạc rủi may mà nếu sống sót cũng còn cả một tương lai
mù mịt trước mắt.
Khi được Nhã rủ đi, Nhàn đã lúng túng không biết quyết định ra sao. Nhã
thúc:
- Chị còn hy vọng gì nữa ở xã hội này? Hay chị mơ tưởng... đồng chí Thái
của chị sẽ là lá bùa hộ mạng của chị và con cái chị?
Nhàn ôn tồn trả lời em:
- Em lầm rồi. Đã từ lâu, chị không còn hy vọng hay mơ tưởng gì trong
cuộc sống, không phải đợi đến bây giờ. Chị đã mất khả năng kháng cự và
cả khả năng ước mơ. Chị cầu Trời khấn Phật cho gia đình em đi bình an.
Để chị ở lại chăm lo cho má.
- Nếu chị bằng lòng đi thì em sẽ thuyết phục má cùng đi. Phần gia đình
chị không cần đóng góp nhiều. Em đã kiếm đủ khách cho chủ tàu để mình
cùng đi.
- Chị cám ơn em đã hết lòng lo cho chị và các cháu, nhưng chị cảm thấy
chưa dứt khoát trong quyết định này. Chị chỉ xin em giúp chị một điều.
Đem thằng Tony đi giùm chị. Nó muốn đi để tìm cha nó, và đó cũng là ước
vọng cuối cùng của mẹ nó. Bà ấy có để lại một tấm ảnh và địa chỉ của cha
nó.
Nhã nhận lời và chuẩn bị ra đi. Đêm cuối cùng, Nhàn nói dối Thái, đưa
Tony về nhà em. Hữu đã đem con trai xuống Rạch Giá trước. Hai chị em
nằm bên nhau, thì thầm nói chuyện suốt đêm. Nhắc lại những kỷ niệm xưa
cũ, bàn bạc chuyện tương lai. Nhàn không ngớt xua đuổi nỗi sợ hãi sẽ
không bao giờ gặp lại em nữa.
Đôi lúc Nhàn muốn vùng ngồi dậy, khuyên can em: "Thôi, em đừng đi