câu hỏi thừa thãi. Nếu nhận được điện tín, Lisa đã không đợi mẹ hỏi. Cô
bé sẽ nhảy dựng lên, tay giơ cao bức điện, với gương mặt tươi như hoa và
"reo lớn" bằng đôi mắt màu hạt dẻ long lanh niềm vui: "Thành công rồi!"
Nhưng đã hơn một tháng không có tin gì của Nhã. Thông thường, một
tháng là thời gian trung bình để những người ở lại nhận được tin của những
người ra đi, nếu cuộc vượt biên thành công. Sau một tháng mà không có
tin tức gì, những người ở lại bắt đầu sống trong ác mộng thực sự.
Người ta sợ hãi nghĩ đến những tai nạn đã xảy ra cho người thân ngoài biển
khơi, hay đang lênh đênh lạc hướng trên đại dương mênh mông nhưng
không còn nước ngọt để uống, hay đã trôi dạt vào một đảo hoang nào đó và
sẽ chết dần mòn không ai hay biết...
Nhàn sợ mỗi buổi chiều phải trở về nhìn vẻ thất vọng của con và gương
mặt sầu thảm của mẹ. Những bữa cơm thường diễn ra lặng lẽ trong không
khí nặng nề. Dường như mỗi người đều bị ám ảnh về sự bặt tin của gia
đình Nhã nhưng ai cũng sợ phải nói đến. Thỉnh thoảng Nhàn cố nói một
câu chuyện gì khác để bầu không khí trở nên dễ thở hơn nhưng cũng chỉ
chấm dứt trong nhạt nhẽo.
Mỗi ngày trôi qua là một ngày sự thật càng hiện rõ hơn trước mắt Nhàn: gia
đình Nhã và Tony đã không tới được một trại tị nạn. Nhàn đi tìm hỏi thăm
vài người có thân nhân cùng đi chung chuyến tàu với Nhã. Không một ai
có tin.
Một buổi tối, không còn chịu nổi khối buồn đau đè nén trong lòng, bà Hai
Thế vừa khóc sụt sùi vừa rên rỉ với Nhàn:
- Suốt đời ba má ăn hiền ở lành, có làm điều gì ác đâu... mà bây giờ trời
phạt như vầy?...
Nhàn ôm mẹ an ủi, nhưng cũng là để trấn an chính mình:
- Mọi người đều ở trong cảnh này cả, má à. Đâu phải chỉ có gia đình
mình. Má đừng lo nghĩ nhiều, lỡ bịnh. Con nghĩ dì Út chỉ chậm có tin
thôi. Đánh điện từ các đảo rất khó khăn. Có người đi cả năm ở nhà mới
được tin.
Đó là đốm lửa hy vọng duy nhất leo lét trong lòng mà Nhàn cố giữ cho
khỏi tắt lịm. Nhưng đốm lửa ấy cứ nhỏ bé dần mỗi lần Nhàn nghe một