biết.
Khách thưa vắng, hầu hết là thanh niên. Họ không có việc gì để làm. Họ
để tóc dài. Họ không cạo râu. Họ ngồi im lìm trong ánh đèn mờ màu tím
trông như những đạo sĩ đã lạc nẻo lên thiên đường. Những dòng nhạc diệu
vợi êm nhẹ như vẳng tới từ một quá khứ xa xăm đã mất tạo cho Lâm một
cảm giác khó chịu hơn là vuốt ve, an ủi. Sau mấy bản nhạc tiền chiến lãng
mạn và vài bản "nhạc vàng" bị cấm hát, chủ quán cho chơi một bài hát của
Trịnh Công Sơn mới viết. Bài "Em ra đi nơi này vẫn thế".
Lâm lắng nghe vài đoạn rồi bực bội đứng lên định ra về. Một con gái, rất
trẻ, bước tới, mỉm cười và nói nhỏ bên tai Lâm:
- Sao chú vội đi thế? Chú ngồi lại chút nữa đã.
Cô gái ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh Lâm, đưa mắt nhìn anh một cách
tình tứ. Vẻ thơ ngây trong sự lẳng lơ của cô gái làm Lâm chú ý, và anh
ngồi lại xuống ghế. Anh nhìn vào mắt cô gái như muốn tìm hiểu những bí
ẩn đằng sau khiến cô gái bối rối nhìn xuống, lẩn tránh.
Lâm có cảm tưởng cô gái muốn nói với anh một điều gì trước khi anh bỏ
đi.
- Chú... chơi cháu, đi chú!
Tiếng cô gái rất nhỏ, nhưng Lâm nghe như tiếng nổ của một quả bom
nguyên tử. Anh kinh hoảng nhìn cô gái chỉ khoảng 15, 16 tuổi, vừa lúc cô
gái cũng ngẩng lên, nhìn Lâm một cách sợ hãi như cũng vừa nhận ra sự ghê
gớm của câu nói mà cô vừa thốt ra.
Một sự im lặng nặng nề kéo dài giữa hai người. Cuối cùng, Lâm là người
lên tiếng trước:
- Cháu cần tiền lắm à?
Cô gái gật đầu, không nói.
- Để làm gì? - Lâm hỏi tiếp.
- Mua thuốc cho bố cháu.
- Bố cháu đau gì?
Cô gái ra vẻ suy tư một lát và sau khi đã lấy lại sự bình tĩnh, cô thở dài và
nói:
- Bố cháu là thương phế binh ngụy. Một viên đạn còn kẹt nơi xương sống