- Tôi đã được lệnh đổi lên Pleiku ngày mai. Tôi đề nghị cô bỏ cái vườn trái
cây này và lòng tự cao lố bịch của người Việt Nam để đi với tôi.
- Anh điên thật rồi! Anh điên thật rồi! - Nhàn kêu lên và bỏ chạy về nhà.
Một tuần lễ sau, trong lúc lái chiếc xe Jeep trên đường phố tỉnh Pleiku,
McCoy tưởng mình hoa mắt khi trông thấy Nhàn, với chiếc va-li trên tay,
đang đứng trả giá với một người lái xe ôm. Anh ta đạp thắng thật mạnh
bên cạnh chiếc xe gắn máy, và nói lớn :
- Tôi nghĩ rằng người khách này là của tôi!
Người lái xe ôm nhún vai, trả lời bằng tiếng Anh khá trôi chảy :
- Dĩ nhiên là tôi không thể giành mối với ông, Trung Úy.
Thế là họ sống với nhau như hai tên điên trong cuộc chiến tranh không
ngày mai. Hai kẻ thách đố định mệnh, thách đố quy ước. Một hôm, Nhàn
nói:
- Khi nào có anh bên cạnh tôi mới tin đây là hạnh phúc có thật. Tôi vẫn
không tin là tôi dám làm việc này. Với một phụ nữ tại Mỹ, hành động của
tôi chắc không có gì đặc biệt, nhưng với người Việt Nam, đây là một cuộc
nổi loạn. Mà thật vậy, có một cái gì trong tôi chỉ muốn nổi loạn. Nổi loạn
chống lại tất cả. Chiến tranh. Xã hội. Tập quán... Nhưng tôi quá nhỏ bé,
không thể làm gì được để thay đổi...
- Chúng ta sẽ cùng về Mỹ sau khi tôi mãn nhiệm kỳ. Vài tháng nữa thôi.
Mình sẽ tới Toà Đại Sứ Mỹ tại Sài Gòn để làm hôn thú. Cuộc chiến tranh
khốn nạn này sẽ chấm dứt với chúng ta.
Cuộc chiến tranh tại Việt Nam đã chấm dứt với John McCoy sớm hơn là
anh dự định, và không chấm dứt với Nhàn. Anh ta đã bị tử thương trong
một cuộc phục kích, hai ngày trước khi mãn nhiệm kỳ, và không biết Nhàn
đã có thai.
Nhàn từ chối nhìn các xác không còn mặt của McCoy trước khi được chở
đi "chế biến" - may vá, moi bỏ ruột gan, ướp thuốc - để đưa về Mỹ. Cô
cũng không khóc trước mặt mọi người. Cô lặng lẽ khóc một mình cho đến
khi khô nước mắt.
Trời khuya đã qua nửa đêm. Sự tĩnh mịch của khu vườn trái cây mang một
vẻ giả tạo khác thường giữa một đất nước đang tan vỡ. Nhàn có cảm tưởng