Tất nhiên đáng lẽ tôi có thể về nhà cô tôi ở nông thôn để giúp đỡ công
việc. Ở đó tha hồ mà làm việc. Nhưng tôi lại được sắp xếp công việc ở
thành phố là đánh xe ngựa đến nhà trẻ. Phụ trách nhà trẻ ấy là một bà tốt
bụng quen với mẹ tôi; bà ấy đã nhận tôi vào làm việc.
Nhà trẻ có một cơ sở kinh tế phụ cách thành phố 12 cây số. Thực chất
đây là một trại nhỏ do nhà trẻ phát canh. Ở trong hầm chứa thức ăn dự trữ
có khoai tây, cà-rốt, bí và các thứ rau khác mà tôi cần phải bốc lên xe ngựa
đánh vào thành phố; tuy thời buổi nặng nề, nhưng vẫn phải đảm bảo thức
ăn cho trẻ.
Tôi được trả công bằng hàng hóa. Điều đó có nghĩa là tôi không được trả
tiền, mà là trả bằng các thứ rau quả do tôi chở đến nhà trẻ. Theo một sự
thỏa thuận đặc biệt, tôi còn được trả một ít ngũ cốc để nuôi con gà Cư-ca.
Đến mùa thu, nhà trẻ sẽ cho tôi một cái giấy chứng nhận rằng tôi đã làm
việc ở đấy trong thời gian lao động bắt buộc ở nông thôn.
Con ngựa của tôi không biết là hay hay dở. Đó là một con vật già nua,
chân sau hình như có hơi bị tê thấp. Nhưng một khi nó bắt đầu chạy thì có
thể phi nước kiệu một hai cây số chẳng mùi mễ gì. Nó không cắn và cái
chính là không động đậy tai khi bất chợt gặp xe ô-tô trên đường đi. Theo
tôi, hiện giờ ở vào thời đại kỹ thuật, chúng ta lại cần chính những con ngựa
này, vì chúng không sợ xe ô-tô.
Chiếc xe ngựa của tôi nói thật ra thì không đến nỗi nào. Thùng xe là một
cái ngăn cạp bằng sắt tây màu vàng và cao hơn thùng những chiếc xe ngựa
thông thường. Phía trước thùng xe, ngay sau con ngựa là một chỗ ngồi cao
cao. Giá như có cảm tình thì cũng có thể gọi là cái ghế xà ích. Ở hai bên
thành xe có viết chữ kiểu chữ in, màu xanh đậm: “Bô-khơ-man và con
trai”. Hẳn rằng chiếc xe này trước kia đã có thời thuộc về cha con người lái
buôn tên là Bô-khơ-man dùng để chở hàng của họ.
Dòng chữ này - “Bô-khơ-man và con trai” là điều duy nhất làm cho tôi
đôi lúc hơi cay đắng với cái nghĩa vụ đánh xe của mình. Bây giờ tôi sẽ giải
thích tại sao.