tay cứng đờ đến nỗi ở bên quán bán báo mại tôi mới lấy được túi tiền kẹp ở
nách ra.
- Cậu bé thật tội nghiệp, - bà cụ bán báo kém mắt đưa cho tôi tờ báo “E-
e-xti-xư-na” và chiếc phong bì có in sẵn con tem, nói. - Trời rét như thế mà
để tay trần chạy ra đường. Đến đôi găng tay cho trẻ con mà bây giờ cũng
không có.
Bỗng sau lưng tôi vang lên một giọng đàn ông thô lỗ:
- Việc của mụ là bán báo chứ không phải là tuyên truyền.
Không dám nhìn gã đàn ông thô lỗ đó, tôi sợ hãi chạy thẳng. Cái giọng
dọa dẫm này đưa tôi về với thực tại. Tôi và Ô-lép quá say mê, tưởng như đã
lao vào một trò chơi mà những người khác cũng sẵn sàng chơi. Lẽ nào việc
tôi đi găng tay cao-su chạy ra phố lại không phải là một trò chơi? Găng tay
len cũng có để lại dấu vết đâu. Và tất cả sự bí mật vĩ đại của chúng tôi cũng
biến thành trò chơi. Nhưng sự sống đâu phải trò chơi. Và ở ngoài kia, nơi
cái chết đang túc trực, thì trò chơi lại ít tác dụng nhất. Bức thư của chúng
tôi sẽ gửi đến nơi nào cái chết đang túc trực, còn như là để giải trí, chúng
tôi đã từng bày ra một trò ảo thuật. Tiếng quát thô lỗ: “Việc của mụ là bán
báo, chứ không phải tuyên truyền!” đã khiến tôi có những suy nghĩ ấy.
Thật là lạ lùng trong lúc vắng tôi, Ô-lép cũng có những suy nghĩ như
vậy.
- Nào dán nhanh lên, - cậu ta nói. - Làm cái việc này không được quá
dềnh dàng. Chúng mình đùa nghịch cứ như làm báo tường ấy. Mà cậu nên
nhớ rằng bức thư của chúng ta sẽ có ý nghĩa với cậu Khên-đu và mẹ cậu ấy
lắm đấy.
Buổi chiều, khi trời sẩm tối, tôi đi đến nơi cậu Khên-đu rủ tôi đến. Đó là
phố Công viên, số nhà 14 ở trong sân, căn hộ số 5. Nhưng tôi không gõ
cửa. Tôi chỉ bỏ bức thư vào thùng thư.