phá võng kiệu các quan ở ngoài đường và cướp bóc ức hiếp dân chúng. Đến
nỗi, các quan dù to nhỏ đi chầu có gặp phải lính Tam phủ ở ngoài đường thì
đều phải lảng tránh sang nẻo khác.
đ) HỌ NHÀ CHÚA (TRỊNH PHỦ)
Vì thiếu chính nghĩa, họ Trịnh luôn luôn nghi ngờ các giới thần phục
chung quanh mình. Đề phòng mọi phong trào phản đối, chúa Trịnh (quân
phiệt) định dùng lực lượng ưu binh để đàn áp. Nhưng ưu binh vốn vô kỷ
luật, được thể vậy càng ỷ thế công lao gìn giữ đất nước, mỗi ngày một lộng
quyền thêm, đòi hỏi quyền lợi một cách quá đáng, vô lý. Đến ngôi chúa, họ
cũng coi như ở trong tay họ.
Khi tình trạng ấy xẩy ra, chúa Trịnh không còn dám tin cậy vào hậu
thuẫn kia nữa, thấy rõ thế đứng của mình chông chênh, chỉ nhất thời, nên
quay vào chuyện hưởng thụ khoái lạc, tranh thủ thời gian. Điều kiện,
phương tiện sẵn có, người ta thỏa sức tận hưởng. Mỗi phủ có tới 300, 400
cung nữ. Lòng ích kỷ tham sướng gây ra nhiều thảm cảnh trong cung (Khải
mưu lật ngôi cha là Trịnh Sâm ; Đặng Tuyên phi bắt giam Trịnh Khải ; Sâm
nhiều lần toan giết Khải…)
Đối với quý tộc thân thích, nếu không trực tiếp giúp ích cho cơ mưu, kế
hoạch của mình, chúa chỉ cấp dưỡng một cách tắc trách ; miễn sao giữ được
nhân tâm khỏi bất mãn (Sâm hàng năm không giáp mặt văn võ quan).
e) TINH THẦN NHO SĨ LUNG LAY, GIAO ĐỘNG
Đứng trước các việc đồi bại ấy, nho gia chính truyền rất chán nản. Khi
thấy chủ trương « dụng thế » khó thích hợp, nhà nho nuôi mộng ẩn dật, lấy
thiên nhiên làm cứu cánh, hoặc dùng thuyết « thiên mệnh » để tự an ủi hoặc
coi khẩu hiệu co giãn « tùy thời » mà liệu gió phất cờ. Tinh thần sĩ phiệt vốn
thụ động, phương pháp tề gia trị quốc chỉ nhiều « tính chất lý tưởng » nên ai
muốn cải cách chế độ cũng gặp nhiều trở ngại.
Bị bế tắc, tư tưởng họ mang khuynh hướng « tin quỷ » tương tự như
thuyết « thượng quỷ » của phái Mặc học. Thản hoặc có nhà nho nào tiến bộ
hơn muốn theo chủ trương « quí nghĩa » dùng chính sách « thượng hiền »