Những yếu tố trên đây khi ông không đạt được thì tâm trạng ông trở
thành yếm thế. Tư tưởng mang nhiều màu sắc hỗn hợp, mâu thuẫn nhau :
Khổng giáo (màu đậm đà nhất), Phật giáo, Lão giáo.
Đó là sản phẩm đặc biệt của thời đại, do hoàn cảnh xã hội riêng biệt
của ông thai nghén ra.
III. GIỚI THIỆU TOÀN BỘ KHÚC NGÂM
Nguyễn Gia Thiều tạo tác ra « Cung Oán Ngâm Khúc » không phải do
một hình thái quan niệm. Khi làm thi phẩm ấy, ông không dụng công để
phụng sự cho một hệ thống chính trị nào.
Tác giả muốn thỏa mãn tình cảm mình, muốn tìm một con đường thông
thoát cho tư tưởng cá nhân thì dựng nên khúc ngâm đó. « Cung Oán Ngâm
Khúc » nếu có phản ánh thực tại xã hội thời bấy giờ, đó chỉ là một hình thái
tự nhiên.
Mặc dầu thế, tác phẩm vẫn chính là một tấm gương để cho ta soi thấy
một phần nào khuôn dạng thời Lê Mạt.
Đọc « Cung Oán Ngâm Khúc » người ta sẽ nhận ra tư tưởng phái nho sĩ
muốn tiến tới mà thất bại.
1) KỸ THUẬT – PHÂN LOẠI
Tác phẩm dài 356 câu thơ song thất lục bát, thuộc vào thể ca ngâm.
Trọn cuốn, chỉ có một nhân vật không tên : nàng cung phi tài sắc trước được
yêu dùng sau bị vua chúa lãng quên.
Vì suốt tác phẩm chỉ có lời một nhân vật đau đớn trách quân vương
(giữ đúng tinh thần đề tài là : ngâm khúc) nên những nguyên tố như động
tác, sự việc, các mẩu đối thoại… tác giả không dùng tới.
Tác phẩm chỉ diễn tả nội tâm của cung phi, vẽ ra những cảnh sống
vương giả nên xa cách cuộc đời của quần chúng bình dân.