Tác phẩm này là tượng hình cho những người đàn bà bị ràng buộc
trong giáo lý « tam cương » (thực hành một cách cơ giới) quằn quại trong
chế độ quân chủ cực đoan, trong nạn đa thê, và nạn nhân của luân lý : « nam
tôn, nữ ti ».
« Cung Oán Ngâm Khúc » chính là « nỗi lòng » của Nguyễn Gia Thiều.
Ông muốn nêu lên một tiểu thuyết luận đề nhưng không giải quyết trọn vẹn.
Tác phẩm mang một hoài bão đòi hỏi nhân quyền.
Nhân văn trong đó tuy chưa tiến bộ bằng trào lưu văn nghệ hiện nay
(nhìn rộng), nhưng đã là đi trước thời đại. Nó đã dám ghi lại những nét thực
của một giai đoạn.
Tất cả những nỗi oán trách trong « Cung Oán », tác giả muốn gửi gắm
cho Chúa Trịnh, nhưng vì e ngại uy quyền nhà Chúa, tác giả phải dùng
những chữ : cửu trùng, quân vương, ngự v.v… để che mắt và để tác phẩm
khỏi bị bóp chết, được sinh tồn.
« Cung Oán » mang một quan niệm nhân sinh yếm thế, nhuốm màu
Phật học (nhiều) và Lão học (ít) ; nhưng chỉ ở từng trường hợp, ở từng trạng
thái mà thôi.
Tác phẩm đó chính là cái bóng của khuôn tư tưởng và tâm sự tác giả :
có những xung đột giữa các chính giáo (đã phân tích ở mục cá tính tác giả).
*
Hưởng thụ « Cung Oán Ngâm Khúc », chúng ta có rung động. Nội
dung và kỹ thuật của Nguyễn Gia Thiều đã gợi cảm và truyền cảm với người
đọc khá mạnh.
« Cung Oán » xứng đáng nhận cái ghế ngồi danh dự mà người ta đã
dành cho nó, đã coi nó là một tập văn nôm làm được nhiệm vụ khai đường
mở lối cho nền văn chương quốc âm của ta trong lúc còn phôi thai vậy.