Thể văn thì bình lặng, điệu văn cao kỳ, có nhiều tính chất riêng biệt độc
đáo của quý tộc. Lối hành văn rất uyển chuyển, đài các, bóng bẩy toàn dùng
điển cố (lời nói, ý nghĩ, và sự tích chuyện) thẩy đều của tao nhân mặc khách,
của vua chúa Trung Hoa cả.
Lời văn đẹp, trang nhã, lâm ly và hàm súc ; Ý sâu xa, chua sót.
2) BỐ CỤC
Về vật liệu xây dựng, Nguyễn Gia Thiều gạt bỏ đi nhiều, chỉ lấy nhân
vật độc nhất, không gian và thời gian để làm nền móng cho tác phẩm.
Trong 4 yếu tố : tả tình, tả người, tả cảnh, tả việc, Nguyễn Gia Thiều
dùng 3 yếu tố trên là : tả tình (rất nhiều), tả cảnh (ít), tả người (ít).
Cách bố cục giản dị thuần chất, mà lại nhất trí, chia ra làm 3 phần :
a) Lúc người con gái còn ở nhà.
b) Khi làm cung phi được yêu chuộng.
c) Lúc đã bị ruồng bỏ, trông mong quân vương nghĩ lại.
Về phương diện kỹ thuật nói chung thì « Cung Oán Ngâm Khúc » thực
đã là một tác phẩm khá phong phú và sắc bén.
Tác phẩm tạo nên một « nhân vật điển hình » có cả « cá tính » chứ
không phải « nhân vật công thức » cho lớp người cung nữ đau khổ. Nói rộng
ra, cho thế hệ đàn bà lúc bấy giờ.
Nhân vật ấy khá linh động, không gò bó giả tạo, mang nhiều tính chất
của « con người có đủ thất tình ».
3) NỘI DUNG
« Cung Oán Ngâm Khúc » tả sự khổ tâm của một cung phi trước được
vua chúa yêu, sau bị hắt hủi, khiến người đàn bà phải thốt lên những lời
trách oán não ruột.