(Mặc Tử) mà làm điều nhân và tìm người hiền cho Phủ Chúa – Triều Đình
thì bị người đương thời chê bai, bác bỏ ý kiến.
Tóm lại, một số đông nho gia phân vân trước tín lý Khổng Mạnh, có
người ngả sang Lão giáo và Mặc giáo (là hai học thuyết có nhiều điểm mâu
thuẫn với Khổng giáo) ngõ hầu mong tìm thêm phương cách làm dịu không
khí ngột ngạt kia đi, bảo vệ lấy nền luân lý của giới mình. Có thể nói rằng :
tinh thần sĩ phiệt hồi ấy suy vong nhất trong các thời đại.
II. NGUYÊN NHÂN SÁNG TẠO TÁC PHẨM : CÁ TÍNH TÁC GIẢ
Muốn tìm ra chân tướng cái tâm lý, tư tưởng của Nguyễn Gia Thiều ta
phải truy nguyên ở đời sống ông, ở các sự biến chuyển trong thời đại ông, và
trong tác phẩm của ông.
Sau khi đã làm công việc đó một cách thấu đáo, ta có thể phân hóa
đẳng cấp ông, rút ra được những nét điển hình về « cá tính » Nguyễn Gia
Thiều :
a) Tính chất quý tộc có ý thức về « đạo » làm người : Những cảnh suy
đồi giả dối trong cung đã day rứt tâm hồn ông. Ông chịu đựng nỗi khổ tâm
về sự ỷ lại, sống nhờ, cảm thông hoàn cảnh của cung nữ và những người
thích thuộc nhà Chúa bị ruồng bỏ.
b) Sự đau đớn vì phải đặt nhầm chỗ, trái nghề : Tài hoa mà phải làm
nội thị lâu ngày. Ham mê nghiệp văn, say sưa triết học mà lại ở chức quan
võ nhỏ (tước hầu chỉ do đặc ân mà ra chứ không hoàn toàn do chiến công).
c) Trung thành với chính sách « dụng thế » của Khổng giáo : Nhưng
không đạt được ý nguyện, không thích hợp với cái thời đại « ăn sổi ở thì ».
d) Thoái nản những sự hãnh tiến của kiêu binh : Thời thượng lúc ấy là
sủng võ, quân phiệt lấn át sĩ phiệt.
đ) Đòi hỏi quyền sống con người một cách yếu ớt : Chống đối nhẹ
nhàng lại sự đè nén của chế độ quân chủ chuyên chế. Phơi bầy sự bất công :
nam tôn, nữ ti.