Trong cuộc đời đêm tối ấy nếu vẫn để mịt mùng bình lặng thì chúng ta
chưa cảm thấy nó dài và nặng nề đến chừng nào, nhưng nếu châm vào đấy
một chấm hy vọng cho lòe sáng lên để rồi lại dụi tắt ngấm đi ngay thì người
ta sẽ có sự đối chiếu rõ rệt. Nhân vật bị gieo xuống bất ngờ ; nỗi ai oán sẽ
biến được thành niềm tuyệt vọng : một dụng ý của tác giả. Ngoài ra, ta còn
thấy trong đoạn đó cách dùng chữ rất tài tình, bạo dạn mà thực hợp chỗ. Với
hai chữ chênh vênh ông đã « cụ thể hóa » được một hình ảnh mông lung.
Đến câu thơ thứ tư, những chữ bình, mốc, giồi, nheo, đi liền với nhau khiến
câu thơ càng chặt chẽ : không một chữ thừa, gợi được cái ý chán chường,
ngao ngán đến cùng độ.
- Nhược điểm : Về mục « tình sầu » này, những điểm xuất sắc chúng ta
đã tạm dẫn ra như trên ; nhưng đôi lúc tác giả vì tham ép quá, nên đã nhìn sự
vật « một chiều ». Tất cả đều phải phụng sự cho « nội tâm » của nhân vật !
Đành rằng khi người ta buồn thì trông phong cảnh nào cũng không thể vui
được, song nếu trong tác phẩm, toàn thể cảnh vật đều pha một mầu chết
chóc cả thì sẽ mắc phải khuyết điểm « nhân tạo ». Rất có thể trong khi tâm
trạng con người tơi bời ảo não nhưng thiên nhiên vẫn bừng sáng tươi đẹp
được ? Ông đã phủ nhận một sự thực này : « ngoại vật có dự phần chi phối
tâm tưởng con người ». Có những đoạn tác giả đã « ép uổng » tạo nên những
câu thơ thiếu hồn, mặc dầu dụng tâm của tác giả là muốn diễn đạt một ý
thực bi thương. Đại khái, ta tạm kể một thí dụ mang một ý cũ và rỗng :
Ai ngờ tiếng dế ran ri rỉ,
Giọng bi thu, gọi kẻ cô phòng.
Hoặc quá dễ dãi, cấu tạo vội vàng như :
Dẫu mà ai có nghìn vàng,
Đố ai mua được một tràng mộng xuân.
Hoặc tình cảm lộ liễu một cách vụng về nên đã trôi tuột đi, không in
một ấn tượng nào vào óc người đọc cả. Như những đoạn sau đây :
Cảnh tiêu điều ngao ngán nhường bao,
Buồn này mới gọi buồn sao ;