- Quan niệm tự giác, tự lợi coi cuộc đời là khổ hải : Nguyễn Gia Thiều
nhìn kiếp sống bằng đôi mắt ảo não. Ông như có được « thiên nhĩ » và «
thiên nhãn » của nhà Phật, cho rằng sự khổ ải không phải là mãi đến già con
người mới gặp, nó như đã là « tiên triệu » báo trước cho ta thấy rõ đoạn
đường mình sẽ phải qua. Một con đường đằm đìa nước mắt :
Đòi những kẻ thiên ma bách triết,
Hình thì còn bụng chết đòi nau.
Thảo nào khi mới chôn rau,
Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra.
Một hiện tượng như tiếng khóc lúc sơ sinh, ở một nhà thơ khác đang
phút yêu đời thì đó rất có thể là sự chào mừng của một linh hồn góp vui với
cuộc sống. Nhưng ở nơi ông, sự bi quan đã lấn át hết thẩy. Có thể vì thất bại
mà ông đành phải bám víu lấy điều khái luận về kiếp nhân sinh của đạo Phật
ngõ hầu an ủi lòng mình đôi chút. Nỗi ngán ngẩm về cái kiếp tục sớm nở tối
tàn của con người đã khiến ông tạo cho câu thơ có một kỹ thuật diễn đạt «
trớ trêu ». Để nói một sự ra góp mặt với đời ông đã dùng một sự việc « chôn
rau » ; như thế, tiếng khóc như đã có căn cứ khởi điểm bật lên, với mục đích
gây cho người đọc thấy một viễn ảnh tàn tạ và cùng hưởng chung với ông
một cảm giác tê tái. Sau đó, đến những quãng đường tới của nhân sinh ông
lại tự hỏi mình và hỏi chúng ta rằng :
Trắng răng đến thuở bạc đầu,
Tử, sinh, kinh, cụ làm nau mấy lần ?
Hai chữ « trắng răng » ghi lại cho ta thấy cái phong tục Việt Nam, trẻ
để răng trắng, lớn lên nhuộm đen ; và đồng thời gợi cho ta thấy mầu trắng ở
đấy (răng trắng đầu bạc) có một hình ảnh yếu đuối run rẩy trước những
hoang mang bất ngờ, tai ác của số mệnh con người. Lối dùng câu, ngắt chữ
như thế tạo nên một âm thanh sắc gợn ; tất cả những mối lo âu ấy dồn dập
luân phiên nhau trút xuống kiếp sống phù du bèo bọt, không ngớt. Hơn thế
nữa, cái khổ không những chỉ đe dọa chúng ta mà còn mỗi lúc một « luân
hồi », hành hạ ngay đến xác thịt con người ta như Ma Vương dùng pháp lực
phá cái chính tâm của người tu hành tọa thiền :