Đến thực trạng ở mặt nước thì lại càng hư ảo vật vờ, lạc hướng hơn
nữa :
Sóng cồn cửa bể nhấp nhô,
Chiếc thuyền bào ảnh lô xô gập ghềnh.
Qua mắt ông, biển cả không hùng vĩ, không đẹp mà cũng chỉ tàn nhẫn
lạnh lùng. Thiên nhiên như phối hợp với nhân tình mà tung lên vùi xuống
kiếp người. Ở câu này, nghệ thuật tả cảnh đã nhường bước cho mục đích
chán đời của ông. Trái lại, trong mấy câu dưới đây ông lại dùng hiện tượng
tự nhiên để nói đến sự chật vật của con đường tiến thân :
Cánh buồm bể hoạn mênh mang,
Cái phong ba khéo cợt phường lợi danh.
Hoặc tàn cuộc như :
Sân đào lý râm lồng man mác,
Nền đỉnh chung nguyệt gác mơ màng.
Riêng hai câu này, ông đã in vào óc ta một hình ảnh vừa đẹp vừa đúng,
đối với nhau chặt chẽ mà còn gọn gàng súc tích. Nguyễn Gia Thiều nhận
thấy mọi sự phiền toái đều nằm trong cái lẽ « Khổ đế ». Vì vậy ông dựa vào
lẽ « Tập đế » để thấy rõ được nơi xuất xứ của sợi dây trói buộc kia, sau đó,
ông đặt vấn đề rằng :
Hẳn túc trái làm sao đây tá ?
Hay tiền nhân hậu quả xưa kia ?
Tuy hỏi thế nhưng ông đã tin vào thuyết « nhân quả », tin vào điều «
túc trái tiền oan » ; và ông cho rằng đó chỉ là cái « nghiệp báo » không thoát
nổi :
Hay Thiên cung có điều gì ?
Xuống trần mà trả nợ đi cho rồi !
Khi đã biết vậy, Nguyễn Gia Thiều ngại cho đời mình, lần thứ hai, ông
vội tự răn mình nên nhập vào giới thiền gia :
Cái gương nhân sự chiền chiền !