cho dù hy vọng đạt được phú quý đến đâu cũng nên ghi nhớ: không
được đi ngược lại với đạo lý.
Trong tư tưởng của Khổng Tử, “nghĩa” và “lợi” không xung đột với
nhau. Khi đối mặt với lợi ích, trước tiên phải suy tính xem “lợi” trước
mắt có phù hợp với “nghĩa” không, nếu phù hợp với “nghĩa” thì cố
mà giành được; còn nếu trái với “nghĩa” thì phải cự tuyệt không chút
do dự. Đây chính là “thấy cái lợi phải nghĩ đến điều nghĩa”.
Nhưng trong thực tế có rất nhiều người không thể ngăn nổi sự
cám dỗ của lợi ích, cho dù là biết rất rõ lợi ích trước mắt trái với
đạo nghĩa cũng thản nhiên tiếp nhận, trở thành kẻ tiểu nhân “chỉ
biết đến cái lợi”.
Lưu Phong đảm nhận chức phụ trách nhập nguyên liệu trong một
doanh nghiệp chế tạo. Anh ta mới bị khai trừ do nhận tiền hoa
hồng của nhà cung cấp. Khi vụ việc vỡ lở, anh không những không ý
thức được sai phạm của bản thân, mà còn rất hùng hổ nói rằng:
“Tôi nói cho các anh biết, thứ nhất, ở vị trí của tôi không có ai là
không lấy tiền hoa hồng, tôi chẳng qua là không may mắn, bị các
anh phát hiện. Thứ hai, bản thân là nhân viên nhập nguyên liệu, nhà
cung cấp trả hoa hồng cho anh, anh mà không nhận thì quả là
thằng ngốc, tôi không phải là thằng ngốc. Thứ ba, thế nào gọi là
đạo nghĩa? Đạo nghĩa chính là lấy tiền hoa hồng của nhà cung
cấp, cố gắng để họ cũng kiếm được tiền.”
Khi “lợi” và “nghĩa” xảy ra xung đột cũng chính là lúc kiểm tra
xem cá nhân có giữ gìn sự chính trực hay không. Rất nhiều người
không thể nào vượt qua cám dỗ này, đứng trước lợi ích, họ không nghĩ
gì đến đạo nghĩa. Cũng giống như Lưu Phong trong ví dụ này, họ
cho rằng chỉ cần là lợi ích thì phải lấy, nếu không sẽ là “thằng
ngốc”. Số người có tư tưởng này quả thực không phải là ít.