Khương Phong là một nhân tài công nghệ xuất sắc. Anh làm
quản lý nghiên cứu khai thác cho một doanh nghiệp game online (trò
chơi trực tuyến). Tháng 10 năm 2009, tôi nhận lời mời đến làm
khách của chương trình “Kích thích trí tuệ”, chủ đề của kỳ này là
“Việc nghiện game online từ đâu mà ra và hậu quả là gì?” Khi bàn
đến ảnh hưởng của Internet đối với trẻ nhỏ, tôi đã nói đến “tội ác”
của ngành công nghiệp game online. Điều này đã khiến Khương
Phong chú ý cao độ - Lúc đó anh đang ngồi ở hàng ghế khán giả của
trường quay. Sau khi kết thúc buổi ghi hình, tôi vội đi ra phía hội
trường, lúc đó, Khương Phong chặn tôi lại.
Ngày hôm đó, chúng tôi đã bàn luận rất nhiều về vấn đề liên
quan đến ngành công nghiệp game online: Khương Phong đã nhận
thức được rất nhiều tác hại nghiêm trọng của game online đối với
trẻ nhỏ. Đương nhiên, chúng tôi cũng thảo luận một vài phương án
giải quyết, ví dụ như dùng trò chơi “tam tự kinh”, “đệ tử quy” với chủ
đề nhân ái, chính trực, hiếu học để thay thế cho các trò chơi sặc
mùi giết chóc, ái tình như hiện nay. Khương Phong cho thấy nhiệt
huyết muốn khai thác những trò chơi kiểu mới này, nhưng tôi biết
ngành công nghiệp game online với mục đích lợi nhuận duy nhất
như hiện nay thì ý tưởng của anh có phần hơi ngây thơ và đơn giản.
Quả nhiên không ngoài dự đoán, kiến nghị của anh đã vấp phải sự
phản đối của cấp trên: “Phải biết rằng, chúng ta là doanh nghiệp,
lợi nhuận là mục đích duy nhất, những việc có giá trị xã hội đó hãy
để các nhà từ thiện làm đi!”
Khi kiến nghị của mình bị từ chối, Khương Phong đã gọi điện
thoại cho tôi, nêu ra ý tưởng của mình: “... Suy nghĩ không giống
nhau, khó mà cùng làm việc với nhau được. Tôi cảm thấy tôi không
thể nào tiếp tục làm việc ở công ty này nữa, tôi quyết định xin thôi
việc!” Cho dù ủng hộ cách nghĩ của anh, nhưng tôi vẫn khuyên anh
hãy suy nghĩ cẩn trọng thêm.