bản dịch tiếng Anh
đều giữ nguyên các sai sót đó. Chỉ có nhà xuất
bản W.W.Norton & Co (bản dịch của WD. Halls) nói rõ là họ đã
không tìm ra 170 trích dẫn bằng tiếng Anh mà Mauss trích dẫn. Tôi đã
dành khá nhiều công sức để tìm lại được hầu hết các thông tin đó trên
Internet (xem thư mục 3 ở cuối sách). Ở chương III về các luật cổ của
Roma, Ấn Độ và Germany (chủ yếu là tiền thân của nước Đức ngày
nay), ông dùng nhiều từ Latin mà không dịch sang tiếng Pháp. Như ta
biết một từ thường có nhiều nghĩa. Do thiếu ngữ cảnh, lắm khi tôi đã
không thể ghi nghĩa chính xác của chúng và không thể dịch một số
cụm từ và câu Latin, nên một số đoạn trở thành khó hiểu thêm!
Tiếp theo, đúng như Lévi-Strauss nhận định (sđd, tr. IX), do tư
tưởng của Mauss quá “súc tích” (dense), nên trở thành “khó hiểu”
(opaque). Và nhiều trang lộn xộn của ông còn có cái gì của bản nháp
trong đó nằm kề nhau một cách lạ lùng các ghi chú thiếu chính xác và,
bị nén ép trong một lô các chú thích phê bình đè bẹp văn bản. Chẳng
những thế lối tiếp cận vòng vo (tortueux) của ông thường làm độc giả
lạc đường. Nói gọn lại là LVBT có nhiều câu và nhiều đoạn rất khó
hiểu. Thế mà, nếu không hiểu đúng ý của tác giả, thì chắc chắn sẽ dịch
sai. Do đó, tôi đã càng mất thêm thì giờ đọc đi đọc lại và nghiền ngẫm
(thậm chí đôi khi phải tham khảo ý kiến của vài nhà dân tộc học Pháp
đồng sự). Thú thật, kể cả khi sửa lại lần chót, tôi vẫn thấy còn vài chi
tiết chưa giải quyết thỏa đáng, nhưng cũng đành chịu, vì không thể cầu
toàn và kéo dài thêm vài năm nữa!
Khó khăn cuối cùng là Mauss dùng một số từ với nghĩa mới mà
ông tạo ra cho chúng. Tôi cũng đã mất khá nhiều công sức để tìm hoặc
tạo ra các từ tiếng Việt tương đương. Chẳng hạn từ “prestation” mà
ông dùng không những để chỉ các “phục vụ”, “dịch vụ” (service) mà
cả sự biếu tặng những đồ vật, phẩm tước, chức vụ, đặc quyền... Lúc
đầu, tôi dịch thành “phục vụ” (service) (như bản dịch của W.D. Halls,
còn Ian Cunnison thì giữ nguyên từ “prestation”, xem chú thích 41),