Chính Ruth Benedict đã dạy cho các nhà dân tộc học và tâm lý
học đương đại là có thể miêu tả các sự kiện mà nhiều người quan tâm
miêu tả, trong một ngôn ngữ chung mượn của tâm bệnh học
(psychopathologie), điều này tự nó là một sự bí ẩn. Trước đó mười
năm, Mauss đã nhận thấy điều đó với sự sáng suốt có tính tiên tri cao
đến mức ta có thể cho rằng tình trạng trong đó các ngành khoa học về
con người ở Pháp bị bỏ rơi là do lĩnh vực bao la mà lối vào đã được
Mauss phát hiện và mở ra đã không được khai thác ngay. Thực vậy,
ngay từ năm 1924, khi trao đổi với các nhà tâm lý học, và định nghĩa
đời sống xã hội như là “thế giới của các quan hệ biểu tượng”, Mauss
nói với họ rằng: “Trong khi quý vị họa hoằn lắm mới nắm bắt được
các trường hợp có ý nghĩa biểu tượng này và thường là trong các loạt
sự kiện không bình thường, thì chúng tôi thường xuyên nắm bắt được
rất nhiều trường hợp, và trong những loạt rất lớn các sự kiện bình
thường.” Tất cả luận điểm của Patterns of Culture đã được đoán trước
trong câu nói này mà tác giả của Patterns of Culture chắc chắn không
biết; và đó là điều đáng tiếc: Bởi vì nếu Ruth Benedict và trường phái
của bà đã biết câu nói của Mauss, thì chắc họ đã có thể bảo vệ lý
thuyết của mình một cách dễ dàng, chống lại những chê trách mà đôi
khi đúng là họ phải chấp nhận.
Khi chú tâm đến việc định nghĩa một hệ thống tương liên giữa
văn hóa của nhóm và tâm lý cá nhân, Trường phái tâm lý-xã hội học
Mỹ quả nhiên có nguy cơ tự giam mình trong một vòng tròn. Nó tìm
tới phân tâm học để nhờ môn này chỉ ra các sự can thiệp cơ bản, biểu
hiện của văn hóa nhóm, quy định những thái độ cá nhân bền vững.
Ngay từ lúc đó, các nhà dân tộc học và phân tâm học đã bị kéo vào
trong một cuộc thảo luận dai dẳng về vị trí hàng đầu của yếu tố tâm lý
hay yếu tố xã hội. Phải chăng một xã hội có được các tính cách định
chế của nó là từ các thể thức đặc thù của nhân cách của các thành viên
của nó hay phải chăng nhân cách này được giải thích bằng vài khía
cạnh của sự giáo dục vào thời thơ ấu? Bản thân các khía cạnh đó là