Khi giả định rằng định chế này không tìm thấy trong các xã hội Polynesia hiện nay,
chúng tôi không loại bỏ khả năng là nó đã hiện hữu trong các nền văn hóa và các xã hội mà sự
di cư của người Polynesia đã sáp nhập hay thay thế, và cũng có thể là người Polynesia đã có
nó trước khi di cư. Thực ra, có một lý do để nó đã biến mất khỏi một bộ phận của khu vực
này. Đó là vì các thị tộc đã thực sự được chia thứ bậc trong hầu hết các đảo và ngay cả được
tập trung xung quanh một chế độ quân chủ. Vậy thì còn thiếu một trong những điều kiện
chính của potlatch, đó là sự không ổn định của hệ thống thứ bậc mà các thủ lĩnh, khi đua tranh
với nhau, chính là nhằm mục đích thỉnh thoảng xác lập. Cũng thế, nếu chúng ta tìm thấy nhiều
dấu vết hơn (có thể được hình thành sau) nơi người Maori chứ không phải ở các tộc người nào
khác, chính là vì chế độ tù trưởng (chefferie) đã được lập lại ở đó và vì các thị tộc cô lập ở đó
đã trở thành đối thủ của nhau.
Về các sự phá hủy của cải thuộc loại hình Melanesia hay châu Mỹ ở Samoa, xem
Krāmer, Samoa Inseln [Đảo Samoa], tập 1, tr. 375. Xem mục từ Itoga ở bảng tra. Mura, tức sự
phá hủy của cải vì phạm lỗi nơi người Maori, có thể được nghiên cứu theo quan điểm đó. Ở
Madagascar, các quan hệ của người Lohateny - họ phải mua bán với nhau, có thể chửi rủa
nhau, làm hư hỏng mọi thứ nơi người khác - cũng là những dấu vết của potlatch cũ. Xem
Grandidier, Ethnographie de Madagascar, tập 2, tr. 131-133.