Trong cuốn Moeurs et superstitions des sauvages néo-calédoniens [Phong tục và mê
tín của những người dã man ở New Caledonia], 1900, Linh mục Lambert miêu tả nhiều hiện
tượng potlatch: Một potlatch xảy ra vào năm 1856, tr. 119; các lễ hội tang ma, tr. 234-235;
một potlatch xảy ra trong một cuộc cải táng, tr. 240-246; Linh mục Lambert đã thấu hiểu được
rằng sự làm nhục và ngay cả sự di cư của một tù trưởng bị bại là sự trừng phạt đối với việc
không đáp tặng một món quà hay một potlatch, tr. 53. Và ông ta đã hiểu rằng “mọi món quà
biếu đều đòi hỏi một món quà khác phải được đáp tặng”, tr. 116; ông ta dùng thành ngữ bình
dân Pháp “un retour” [tức “một món quà đáp tặng”]: “Quà đáp tặng đúng theo quy chế”; các
“món quà đáp tặng” được trưng bày trong túp lều của những người giàu, tr. 125. Các món quà
biếu khi viếng thăm là bắt buộc. Chúng là điều kiện của hôn nhân, tr. 10, 93-94; chúng không
thể bị đòi lại (irrévocable) và các “món quà được đáp tặng với lãi quá nặng”, đặc biệt là cho
người bengum, tức anh em chú bác, anh em cô cậu hay anh em bạn dì ruột, tr. 215. Điệu múa
tặng quà (trianda), tr. 158, là một trường hợp đáng chú ý của chủ nghĩa hình thức, chủ nghĩa
duy nghi lễ (ritualisme) và của thẩm mỹ pháp lý được trộn lẫn vào nhau.