Tuy nhiên, ở tr. 513 và 515, ông Malinowski thổi phồng sự mới mẻ của các sự kiện
mà ông mô tả. Trước hết kula thực ra chỉ là một potlatch liên bộ lạc, thuộc một loại hình khá
thông thường ở Melanesia, bao gồm các chuyến đi xa mà Linh mục Lambert mô tả, ở New
Caledonia, cũng như các cuộc đi xa lớn gọi là Olo-Olo của người Fiji, xem Mauss, “Extension
du potlatch en Mélanésie” [Sự lan rộng của hiện tượng potlatch ở Melanesia], trong Biên bản
của Viện Nhân học Pháp, Anthropologie [Nhân học], 1920. Đối với tôi, ý nghĩa của từ kula
dường như dính líu đến ý nghĩa của vài từ khác cùng loại hình, chẳng hạn: ulu-ulu. Xem
Rivers, History of the Melanesian Society [Lịch sử Xã hội Melanesia], tập 2, tr. 415 và 485,
tập 1, tr. 160. Nhưng, ngay cả kula cũng ít có tính đặc trưng so với potlatch ở châu Mỹ về một
số mặt, vì các đảo đều nhỏ hơn, nên các xã hội đều không giàu mạnh bằng các xã hội ở miền
duyên hải của Columbia thuộc Anh [British Columbia, tức tỉnh phía Tây của Canada]. Trong
các xã hội sau, ta gặp lại tất cả các nét đặc sắc của các potlatch liên bộ lạc; chẳng hạn: Người
Haida đua tranh với người Tlingit (Sitka thực ra là một thành phố chung, và sông Nass là nơi
gặp gỡ thường kỳ); người Kwakiutl đua tranh với người Bellacoola, với người Heiltsuq; người
Haida đua tranh với người Tsimshian, v.v.; điều này vả lại nằm trong bản chất của các sự vật:
Các hình thức trao đổi bình thường có thể mở rộng ra và có tính quốc tế; ở đó cũng như ở nơi
khác, chúng dĩ nhiên vừa đi theo vừa khai thông các con đường buôn bán giữa các bộ lạc này,
đều giàu có và đều sống nhờ biển.