đó chính sự nối kết với các trạng thái bệnh tật phải được xem như là
ngẫu nhiên (contingent) và như là kết quả của một hoàn cảnh đặc thù
của xã hội trong đó chúng ta đang sống. Trong trường hợp này, ta có lẽ
đứng trước một thế phải chọn lựa khác: Hoặc những cái bị gọi sai là
bệnh tâm thần, thực ra không ăn nhập gì với y khoa, phải được xem
như là những tác động xã hội học trên ứng xử của các cá nhân mà lịch
sử và thể trạng của họ đã tách họ ra khỏi nhóm; hoặc ta nhận ra nơi
những người bệnh này sự hiện diện của một trạng thái thực sự bệnh
tật, nhưng có gốc gác sinh lý học, và có lẽ chỉ tạo ra một địa hạt thuận
lợi, hay, nếu ta muốn, “làm cho nhạy cảm”, đối với vài ứng xử biểu
tượng có lẽ sẽ tiếp tục chỉ lệ thuộc vào sự giải thích xã hội học.
Chúng ta không cần mở ra một cuộc tranh luận tương tự; nếu sự
chọn lựa giữa hai khả năng đã được nhanh chóng nêu ra, chính chỉ để
chứng tỏ rằng có thể lập ra một lý thuyết thuần túy xã hội học về các
rối loạn tâm thần (hay về những cái mà chúng ta xem như thế) mà
không sợ một ngày nào đó sẽ thấy các nhà sinh lý học phát hiện một
chất nền sinh-hóa học (substrat bio-chimique) của các bệnh rối loạn
tâm thần. Ngay cả trong giả thuyết này, lý thuyết có lẽ vẫn còn giá trị.
Và việc nghĩ ra kết cấu của nó là tương đối dễ. Mọi nền văn hóa có thể
được xem như là một tổng thể các hệ thống biểu tượng mà ở vào hàng
đầu là ngôn ngữ, các quy tắc hôn nhân, các quan hệ kinh tế, nghệ
thuật, khoa học, tôn giáo. Tất cả các hệ thống đó nhắm đến sự thể hiện
một số mặt của thực tại thể xác và thực tại xã hội, và hơn thế nữa, thể
hiện các quan hệ mà hai loại hình thực tại đó và bản thân các hệ thống
biểu tượng có với nhau. Việc chúng chẳng bao giờ có thể đạt đến điều
đó một cách hoàn toàn thỏa đáng, và nhất là một cách tương đương,
trước hết là do các điều kiện vận hành thích hợp cho mỗi hệ thống:
Chúng vẫn luôn luôn không thể so sánh với nhau; và tiếp theo là do
lịch sử đưa vào trong các hệ thống các yếu tố ngoại lai, làm cho xã hội
này trượt sang xã hội khác, và tạo ra những sự chênh lệch trong nhịp
tiến hóa tương đối của mỗi hệ thống đặc thù. Vậy thì, vì lẽ một xã hội