Hướng đến một dân tộc chí về các cung ứng
không thông qua thị trường
Florence Weber
Tại sao đọc Luận về biếu tặng hơn tám mươi năm sau ngày nó
được xuất bản? Được đăng năm 1925, văn bản này của nhà xã hội học
Pháp Marcel Mauss (1872-1950) chắc là tác phẩm nổi tiếng nhất,
nhưng cũng khó hiểu nhất của tất cả ngành nhân học xã hội. Được một
số độc giả khá lớn biết đến khi nó được in lại vào năm 1950 [trong
cuốn Anthropologie et Sociologie - ND] với một dẫn nhập mà Claude
Lévi-Strauss dành cho toàn bộ công trình nghiên cứu của Mauss, được
dịch sang tiếng Anh năm 1954, văn bản-hải đăng (texte-phare) này của
các khoa học xã hội ngày càng được nhiều người tham khảo vào khúc
quanh của thế kỷ XXI, truyền bá những khái niệm gốc Mỹ-Ấn
(amérindien) như potlatch
hay gốc châu Đại Dương như là kula
ngoài phạm vi nhân học, trong cộng đồng kinh tế học, quản lý và tiếp
thị quốc tế.
Mauss đã ý thức rất rõ tính cách chưa hoàn chỉnh và chưa hoàn
hảo của tác phẩm tiên phong này. Ông phán đoán như sau trong phần
kết luận: “Thực ra, phần nào đây là những câu hỏi mà chúng tôi đặt ra
cho các sử gia, các nhà dân tộc chí, đây cũng là những đối tượng điều
tra mà chúng tôi đề nghị hơn là chúng tôi giải quyết một vấn đề và đưa
ra một câu trả lời dứt khoát.” Chính vì thế mà khi đọc LVBT, ta có thể
cảm thấy “tim đập mạnh và đầu nóng lên” như Cl. Lévi-Strauss đã viết
[1950: XXXIII]: Nó mở ra các cửa của những thế giới mới. Là work in
progress [công trình đang tiến hành], LVBT đã khuyến khích cộng