— Nhưng tôi vào và ra khỏi Viện bảo tàng lịch sử bằng cách nào?
— Đó không phải là việc của ông, Johnny. Sự đóng góp của ông kết thúc
khi sáu chiếc mô tô và đoàn xe hộ tống Tổng thống quẹo phải vào đường 7.
Từ đó trở đi là việc của Gino.
Cho tới lúc đó, Gino Sartori, một cựu thuỷ quân lục chiến đang điều hành
tổ chức làm tiền bằng cách bảo kê tốt nhất ở phía tây, không hề nói gì. Luật
sư của ông ta đã bảo ông ta nhiều lần: “Đừng nói trừ khi tôi bảo ông nói.”
Luật sư của ông ta không có mặt, vì thế ông ta không mở miệng…
— Gino, ông sẽ cung cấp cho tôi lữ đoàn nặng. Tôi cần tám nhân viên
mật vụ hành động như một đội phản công, tốt nhất là do chính phủ huấn
luyện và có trình độ cao. Tôi chỉ dự tính ở trong toà nhà khoảng hai mươi
phút, nhưng chúng ta sẽ phải tính toán thật kỹ từng giây của thời gian đó.
Debbie sẽ tiếp tục hoạt động với vai trò của một nữ thư ký và Angelo sẽ mặc
đồng phục hải quân và xách một vali nhỏ màu đen. Tôi sẽ ở đó với tư cách
phụ tá của Tổng thống, cùng với Dollar Bill với tư cách bác sĩ của Tổng
thống.
Bố y ngước lên, cau mày.
— Con sẽ ở bên trong toà nhà Viện Bảo tàng Lịch sử Quốc gia khi diễn ra
vụ đánh tráo hay sao?
— Vâng, – Tony trả lời một cách quả quyết. – Con sẽ là người duy nhất
biết từng phần của kế hoạch và chắc chắn con sẽ không quan sát một vụ từ
vỉa hè.
— Tôi xin hỏi một câu, – Gino nói. – Nếu tôi chỉ nói giả sử tôi có thể
cung cấp khoảng hai chục người mà ông cần, xin cho tôi biết điều này, khi
chúng tôi tới Viện Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, có phải họ sẽ ra mở cửa, mời
chúng tôi vào, rồi trao cho tôi bản Tuyên ngôn Độc lập.
— Đại loại như thế, – Cavalli đáp. – Bố tôi vẫn dạy tôi rằng kết thúc
thành công của bất cứ công việc nào cũng luôn luôn do chuẩn bị tốt. Tôi còn
một điều ngạc nhiên nữa dành cho ông.