trưng bày ở Viện Bảo tàng Lịch sử Quốc gia vào ngày 25 tháng 5, ông sẽ
biết chúng ta có một bản giả và sẽ không trả thêm một xu nào nữa. Có phải
như thế không.
— Phải, thưa ông Biện lý Chính phủ, – Al Obaydi nói.
— Từ nào trên bản gốc đã sai lỗi chính tả? – viên Biện lý Chính phủ lại
hỏi. Khi ông Phó Đại sứ đã nói cho ông ta nghe, Nakir Farrar chỉ bảo: “Hay
lắm.”
Đoạn ông ta gập hồ sơ trước mặt lại.
— Tuy nhiên, tôi còn cần phải trả tiền tận tay, – Al Obaydi nói tiếp, – nếu
tôi bằng lòng với phần việc họ đã làm theo thoả thuận, và chúng ta đã nắm
trong tay bản Tuyên ngôn gốc.
Vị Bộ trưởng Ngoại giao nhìn về phía Saddam và Saddam lại gật đầu.
— Mọi việc sẽ đâu vào đó ngày 25 tháng 5, – vị Bộ trưởng Ngoại giao
nói. – Tôi thích có cơ hội rà soát lại một số chi tiết trước khi ông Phó Đại sứ
trở lại New York với điều kiện Tổng thống chấp thuận.
Saddam vẫy một bàn tay để ra hiệu một thỉnh cầu như thế không quan
trọng đối với ông ta. Đôi mắt của ông vẫn còn chăm chú nhìn Al Obaydi.
Viên Phó Đại sứ không biết rõ ông ta có nên đi hay là chờ chất vấn thêm
nữa. Ông ta nghĩ thận trọng thì hơn và vẫn ngồi im lặng.
Một lúc sau Saddam nói.
— Hamid, chắc hẳn ông muốn biết vì sao tôi đặt một tầm quan trọng như
thế vào mảnh giấy da vô dụng này…
Vì viên Phó Đại sứ chưa bao giờ được gặp Tổng thống, ông ta ngạc nhiên
vì được gọi bằng cái tên đó.
— Tôi không được quyền hỏi tới lý luận của ngài, – Al Obaydi trả lời.
— Tuy nhiên, – Saddam nói tiếp, – đã là con người thì ông nên tự hỏi tại
sao tôi sẵn sàng bỏ ra một trăm triệu đô la và đồng thời có nguy cơ bị mất
mặt trên thế giới nếu ông thất bại.